Bến Nhà Rồng hôm nay.
Bến Nhà Rồng là trụ sở thương cảng của Sài Gòn, nằm bên sông Sài Gòn, được xây dựng từ năm 1863. Đây là một trong những công trình đầu tiên thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được đất này.
Bến Nhà Rồng là công trình có lối kiến trúc công sở phương Tây với hành lang bao quanh và những vòm cuốn, nhưng lại có mái mang nét kiến trúc phương Đông. Đặc biệt, trên đỉnh mái có trang trí đôi rồng kiểu lưỡng long chầu nguyệt - một lối trang trí phổ biến trên các kiến trúc truyền thống Việt Nam. Chính vì vậy, kiến trúc ấy được gọi là Nhà Rồng hay Bến Nhà Rồng.
Sau khi người Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý. Bến Nhà Rồng được tu sửa lại và trang trí hình rồng trên đỉnh mái được thay đổi hướng ra ngoài.
Cho tới trước năm 1975, Nhà Rồng vẫn được sử dụng như một kiến trúc công trình phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, để ghi nhớ sự kiện ngày 5/6/1911, Bác Hồ đã ra đi từ Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước, kiến trúc này được giữ lại làm Di tích lịch sử, là Khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 2/9/1979, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người, Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1945)”. Ngày 20/9/1982, UBND TP. Hồ Chí Minh ra quyết định chính thức chuyển “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh” chi nhánh TP HCM. Bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập trung nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước; và thể hiện mối quan hệ tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, nhân dân miền Nam.
Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP HCM có hơn 11.000 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày theo các chủ đề và chuyên đề gắn với sự nghiệp của Bác.
Bến Nhà Rồng là nơi khởi đầu, gắn liền với con đường giải phóng dân tộc mà Bác Hồ đã đi và là một Di tích đặc biệt, địa chỉ văn hóa giáo dục truyền thống của thế hệ hôm nay và mai sau.
Gửi phản hồi
In bài viết