Bức tượng "Nguyễn Tất Thành - ra đi tìm đường cứu nước" tại Bến cảng Nhà Rồng.
Cuộc hành trình trải qua 3 đại dương, 4 châu lục và gần 30 quốc gia với hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa và hòa mình vào thực tiễn đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước thuộc địa. Người đã bổ sung cho mình những kiến thức vô cùng phong phú với một tầm nhìn rộng lớn. Người đã đến với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc, đó là con đường cách mạng vô sản. Người đã nhận thấy: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”.
Từ năm 1921 đến năm 1930, Nguyễn Ái Quốc ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác-Lê nin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị về lý luận cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngày 3-2-1930, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức Cộng sản đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lê nin, phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối chính trị, về con đường cứu nước, cứu dân.
Sau hơn 30 năm bôn ba nước ngoài, rời xa Tổ quốc, ngày 28-1-1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh
giải phóng dân tộc. Từ đây, dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng và Nhân dân ta đã giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, làm nên một cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất-1945; một Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” - 1954; một Đại thắng mùa Xuân hào hùng, thu non sông về một mối -1975...
Chặng đường 30 năm bôn ba khắp thế giới của Nguyễn Ái Quốc, vừa tìm đường cứu nước, vừa kiên trì chiến đấu đầy bản lĩnh và trí tuệ để bảo vệ con đường giải phóng dân tộc Việt Nam. Thành quả vĩ đại của cuộc hành trình 30 năm đó thể hiện ở chỗ những câu hỏi lớn nhất với dân tộc Việt Nam, với cách mạng Việt Nam, mà trước đây chưa ai tìm được câu trả lời đã được Hồ Chí Minh giải đáp sáng tỏ. Sự kiện ngày 5-6-1911 cũng là sự kiện vĩ đại của lịch sử dân tộc, không những chứng tỏ sự lựa chọn đúng đắn, sáng suốt và công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên hành trình tìm đường cứu nước và giải phóng nhân dân, dân tộc ta, mà còn là động lực giúp chúng ta tiếp tục củng cố niềm tin, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vững bước trên con đường Đảng, Bác đã chọn, xây dựng một nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác hằng mong muốn.
Gửi phản hồi
In bài viết