Nơi tổ chức Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất

- Bác Hồ quan niệm “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Bởi vậy ngay khi tiến hành xong Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ 2 ở Kim Bình (Chiêm Hóa - Tuyên Quang), ngày 1-5-1952, Trung ương cho tổ chức Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất, tổng kết công tác thi đua phát động từ năm 1948 tại xã Kim Bình.

Hội trường thôn Bó Củng, xã Kim Bình - nơi diễn ra Đại hội anh hùng, chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất năm 1952.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự và chủ trì, nêu rõ mục đích, phương pháp và ý nghĩa của việc thi đua yêu nước. Tổng Bí thư Trường Chinh đọc báo cáo “Phong trào thi đua ái quốc và chủ nghĩa anh hùng mới”. Đại hội có 154 chiến sĩ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự. Đại hội tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. Trong đó có các anh hùng, chiến sỹ thi đua tiêu biểu được tôn vinh như: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sĩ La Văn Cầu, nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh.

Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Thành công của Đại hội đã động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập nhiều thành tích, tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Các Anh hùng tiêu biểu được tuyên đương năm 1952 ở Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Kim  Bình (Chiêm Hóa) luôn là tấm gương sáng ngời cho lớp lớp thế hệ trẻ noi theo:

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Cù Chính Lan (1930 - 1951) sinh trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Anh là con thứ ba và là con út. Mẹ mất khi anh mới 4 tuổi. Năm 1951, trong trận tấn công cứ điểm Giang Mỗ, Hòa Bình anh đã một mình đuổi xe tăng Pháp, nhảy lên thành xe, ném lựu đạn vào buồng lái để tiêu diệt xe. Trong chiến dịch này dù bị thương nặng 3 lần, anh vẫn cố gắng tham gia chiến đấu cho đến khi hy sinh anh dũng.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu (sinh năm 1932) tên thật là Sầm Phúc Hướng, dân tộc Tày, quê xã Phong Nặm, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Trong Trận Đông Khê thuộc Chiến dịch biên giới năm 1950, La Văn Cầu là chỉ huy tổ bộc phá hàng rào để đơn vị phía sau tiến công đồn. Ông Cầu bị trúng đạn dập nát một phần cánh tay phải. La Văn Cầu đã nghiến răng nhờ đồng đội dùng lưỡi lê chặt đứt cánh tay bị thương và tiếp tục chiến đấu. Sau này ông lên tới hàm Đại tá, nguyên là Ủy viên trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Ngay khi còn đang sống, La Văn Cầu đã được đặt tên cho trường học và đường phố ở Việt Nam.

Tuổi trẻ xã Kim Bình xem ảnh tư liệu về Đại hội II của Đảng.

Anh hùng Lao động Ngô Gia Khảm (1912 - 1990), quê phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1944, Ngô Gia Khảm là một trong những người đầu tiên xây dựng và là Quản đốc Xưởng Quân giới ở chiến khu Việt Bắc. Ông chế tạo lựu đạn vỏ gang kiểu dập tại Bắc Ninh. Trong kháng chiến chống Pháp, ông xây dựng xưởng Hóa chất đầu tiên ở Việt Bắc, chế tạo thuốc nổ làm mìn, lựu đạn và đạn. Ông bị thương ba lần trong khi sản xuất. Từ năm 1945 đến năm 1954, ông đã đào tạo được nhiều công nhân quân giới và sản xuất nhiều thuốc nổ phục vụ nhiệm vụ kháng chiến. Năm 1954, sau khi hòa bình lập lại, ông làm Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Nhà máy Toa Xe lửa Gia Lâm trực thuộc Tổng cục Đường sắt.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Thị Chiên (1930 - 2016), quê thị trấn Kiến Xương, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Nạn đói năm 1945 đã lần lượt cướp đi 4 anh chị của bà. Năm 15 tuổi, Nguyễn Thị Chiên bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, làm trung đội trưởng đội nữ du kích xã Tán Thuật (Kiến Xương, Thái Bình). Đội du kích nữ của bà đã tổ chức hơn 40 trận đánh, quấy rối nổi tiếng, diệt và bắt sống nhiều tên địch. Năm 1950, trong khi đưa cán bộ về hoạt động tại xã, bà bị quân địch bắt, dụ dỗ, tra tấn suốt 3 tháng rưỡi. Nhưng bà vẫn trung thành, không khai báo. Sau này bà về công tác Cục Chính trị - Quân khu Thủ đô với hàm Trung tá, là nữ Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Anh hùng Lao động Hoàng Hanh (1888 - 1963), là nông dân, quê ở xã Xuân Lạc, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông là người Công giáo, từng tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh. Trong sản xuất nông nghiệp ông có những sáng kiến, cải tiến trong trồng trọt, chăn nuôi, cho năng suất, chất lượng tốt, được nhiều nơi làm theo. Ngoài ra, ông đóng góp nhiều lương thực, thực phẩm cho kháng chiến chống Pháp.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Giáp Văn Cương (1921 - 1990), xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã từng giữ chức Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 19 (Trung đoàn 96, liên khu V) và tham gia trận Đăkpơ (tháng 6 năm 1954). Năm 1965, ông được cử làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 3 Quân khu V. Thời gian tiếp theo, ông tham gia Thường vụ Đặc khu ủy, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng mặt trận 44. Năm 1974, ông được phong hàm Thiếu tướng, chức Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đô đốc đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đào Quang Vinh (sinh năm 1925), xã Nhân Mỹ (Lý Nhân - Hà Nam). Năm 1945, ông rời quê hương lên Hà Nội tham gia vào các tổ chức cách mạng tại Thủ đô và là chiến sỹ Đội tự vệ chiến đấu khu Đông thành Hà Nội. Với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, ông cùng đồng đội giữ vững các tuyến đường huyết mạch để Bác Hồ và chính quyền cách mạng rút lên căn cứ, bắt đầu cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Sau khi trở về địa phương, ông làm xã đội trưởng, trực tiếp chiến đấu với kẻ thù. Năm 1963, ông Vinh được điều chuyển lên Bộ Công an công tác, rồi tiếp tục được điều đi chi viện cho chiến trường miền Nam; trực tiếp chiến đấu tại mặt trận Thừa Thiên - Huế. Năm 1989, ông được nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá.

Tất cả 7 Anh hùng được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh tuyên dương danh hiệu Anh hùng tại Đại hội Anh hùng, chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất tại Kim Bình năm 1952 thật sự là tấm gương chói sáng của phong trào thi đua ái quốc. Kim Bình thật tự hào là nơi khởi xướng phong trào ý nghĩa này. 

       Quang Hòa
 (Theo các tài liệu lịch sử)

Tin cùng chuyên mục