Giai đoạn quan trọng
Sau khi được khách hàng thuê hoặc mua về chơi Tết, nhiều cây đào được trả lại vườn đào ở Nông Tiến để tiếp tục nuôi dưỡng, uốn thế cho mùa hoa tiếp theo. Công việc “hồi sinh” cây bắt đầu với công đoạn quan trọng như cắt tỉa cành, loại bỏ hoa và nụ còn sót lại, giúp cây tập trung dinh dưỡng vào thân. Đào cũng được bón phân, tưới nước đầy đủ, đặc biệt là thay đất, trồng lại vào luống để đảm bảo sức sống.
Anh Đào Quang Vinh, nông dân trồng đào tại tổ 8, phường Nông Tiến chia sẻ: “Giai đoạn chăm sóc sau Tết là quan trọng nhất, quyết định cây có đủ sức để bung hoa đẹp vào năm sau hay không. Nếu chăm sóc không đúng cách, đào có thể bị suy kiệt, còi cọc dẫn đến việc không ra hoa hoặc ra hoa không đẹp”.
Anh Đào Quang Vinh, tổ 8, phường Nông Tiến cắt tỉa cành dăm cho cây đào sớm phục hồi.
Cũng làm nghề trồng đào tại tổ 8, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang), chủ vườn đào Nga Dũng cho biết: “Gia đình tôi có mảnh đất rộng gần 5 sào để trồng đào. Những ngày này, nông dân chúng tôi đang tất bật “hồi sinh” đào sau Tết. Việc cắt, tỉa cành phải thực hiện đúng thời điểm, nếu để quá lâu cây sẽ mất sức, còn nếu tỉa sớm quá, cành non ra không đúng mùa sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra hoa. Do đó, việc canh đúng thời gian chăm sóc là yếu tố then chốt để đảm bảo cây đào có thể nở rộ đúng dịp Tết năm sau”.
Thông thường sau khi đưa những gốc đào về vườn, công đoạn đầu tiên là phải “làm tươi” cho cây. Mỗi gốc đào được “hồi sinh” bằng cách hạ đất, trồng bầu, cắt tỉa bớt cành lá. Mất khoảng vài ba tuần để cây hồi sức, sau đó mới đến công đoạn chăm sóc, cắt tỉa, hãm cành…
Trước khi trồng khoảng một tháng đất phải được đập nhỏ, làm sạch cỏ, lên luống rộng 1 m, chiều cao luống từ 25 - 30 cm, chiều rộng rãnh 30 cm (tùy thuộc vào kích cỡ của cây). Để đảm bảo cho cây đào sinh trưởng, phát triển tốt thì khâu chuẩn bị đất là bước quan trọng nhất, vì đào là loại cây không thể chịu được môi trường nước ngập úng nên phải chọn đất trồng đào ở những nơi cao ráo, quang đãng, phải lên luống cao, mỗi gốc đào trồng cách nhau khoảng 1,5 m. Sau khi trồng xong, người trồng cắt hết nhánh già để cành mới phát triển, năm tới sẽ cho nhiều hoa. Sau đó, mỗi tháng phải cắt nhẹ một vài lần cho đến tháng 6 âm lịch. Trong quá trình cắt sửa có thể kết hợp tạo hình tán cây. Sau khi cắt tỉa có thể bón lót khoảng từ 2 - 5 kg phân hữu cơ/cây tùy vào độ lớn nhỏ của cây và bón trong thời gian từ 20 ngày sau khi trồng đến tháng 5, tháng 6.
Hy vọng một vụ mùa bội thu
Dù công việc phục hồi đào sau Tết khá vất vả, nhưng nông dân vẫn kiên trì theo nghề bởi đây không chỉ là công việc mưu sinh mà còn là niềm tự hào gắn liền với nét đẹp văn hóa Tết cổ truyền. Với những người làm nghề lâu năm, mỗi cây đào sau Tết được “hồi sinh” thành công là một niềm vui lớn, mở ra hy vọng về một mùa vụ tốt đẹp hơn.
Người dân làng đào xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) chăm sóc những gốc đào mới trồng.
Theo đồng chí Tạ Xuân Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lợi, thôn Cầu Cháy được coi là “thủ phủ” trồng đào của xã với gần 70 hộ, diện tích khoảng 5,5 ha. Không chỉ chăm sóc, việc trồng cây đào mới cũng được người dân bắt tay trồng đan xen. Chị Trần Thị Dương, thôn Cầu Cháy cho hay: “Việc trồng xen kẽ đào mới là cách tận dụng hiệu quả đất trồng và duy trì nguồn cung ổn định. Bên cạnh đó cần chọn lọc cây khỏe mạnh, kết hợp cắt tỉa, bón phân đúng cách để đảm bảo cả đào cũ và mới đều phát triển tốt cho mùa sau. Đào càng chăm tốt, năm sau càng được giá, đó là động lực để chúng tôi không quản ngại vất vả mong chờ cho mùa đào sang năm”.
Cũng tại thôn Cầu Cháy, gắn bó đã gần chục năm với nghề trồng đào, anh Nguyễn Văn Kỳ bộc bạch: “Với những người trồng đào, mỗi vụ đào là một hành trình dài đầy kỳ vọng và công sức. Với tôi, mỗi mùa Tết không chỉ là dịp để vườn đào mang lại thu nhập, mà còn là niềm vui, hy vọng của cả gia đình. Dù trồng xen kẽ đào mới cùng việc hồi sinh đào cũ đòi hỏi nhiều công sức, nhưng tôi luôn cố gắng, hy vọng cho năm tiếp theo. Vườn đào luôn được tôi chăm sóc kỹ lưỡng, từ việc cắt tỉa, bón phân đến theo dõi từng cây một. Những nụ hoa hé nở giữa đất trời là kết quả của sự kiên trì và tình yêu với nghề”.
Không chỉ là một loài cây đặc trưng của mùa xuân, đào còn phản ánh vòng tuần hoàn của thiên nhiên và sự chăm chỉ của người nông dân. Nhờ bàn tay khéo léo của họ, những cành đào thắm lại tiếp tục khoe sắc mỗi dịp Tết đến, mang lại niềm vui và may mắn cho mọi nhà.
Gửi phản hồi
In bài viết