Những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

- Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển cả số lượng và chất lượng. Đầu xuân năm mới, chúng tôi đến thăm một số hộ sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi trên địa bàn tỉnh để cùng chia vui với những thành công của họ.

Ông Phạm Bá Lưu, tổ 9, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) tỉa cành, dưỡng cây đào.

Mới trung tuần tháng Giêng âm lịch nhưng vườn đào của gia đình ông Phạm Bá Lưu ở tổ 9, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) đã tất bật trồng cây, ghép mầm để phục vụ mùa đào tết năm tới. Nếu nói Nông Tiến là thủ phủ cây đào cảnh của tỉnh thì gia đình ông Lưu được đánh giá là một trong những hộ SXKD cây đào thành công nhất. Hơn 20 năm nay, thu nhập chính của gia đình ông Lưu là cây đào. Ông Lưu cho biết, gia đình ông trồng đào từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng trồng nhiều khoảng 20 năm trở lại đây. Vườn đào gia đình ông Lưu đa dạng các loại, từ đào cổ, đào phai đến đào đỏ... Ra Tết là thời điểm gia đình ông bận rộn nhất, hết ghép cành, dưỡng cây, chở đào từ các đơn vị cho thuê đưa về trồng lại. Chỉ tay về phía những gốc đào bắt đầu rụng hoa bung lộc vừa thu về, ông Lưu phấn khởi, nói: “Vườn có hơn 150 gốc đào thì cho thuê trên 130 gốc, còn lại bán hết. Năm nay cháy đào, nhà phải chơi cây đào bé xíu. Chục ngày nay, 4 thành viên của gia đình tất bật vừa thu các cây đào cho thuê đưa về vườn, vừa tranh thủ trồng để kịp mùa hoa tết năm tới. Giờ gia đình tôi còn 20 gốc ở các nơi, thu hết hôm nay là hết. Từ trồng đào, mỗi năm gia đình tôi có thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng. Riêng năm nay, thu trên 250 triệu đồng”.

Thăm trang trại hàng nghìn con dê của ông Nguyễn Văn Đoài, thôn 5, xã Lang Quán (Yên Sơn), chúng tôi được ông Đoài chia sẻ, trước đây ông làm rất nhiều nghề, chạy chợ, chăn nuôi lợn gà, trâu, bò. Đến năm 2016, gia đình ông mở nhà hàng dê món. Công việc kinh doanh ổn định, riêng khâu tìm nguyên liệu khó khăn quá, chất lượng sản phẩm không đáp ứng yêu cầu nhà hàng. Ông quyết định tự nuôi dê.

Ông bắt tay khởi nghiệp với 15 con dê giống. Tuy nhiên, con đường làm giàu không hề dễ. Phải mất chừng 2 năm vừa nuôi vừa học, hao hụt ngót chục con dê giống, ông mới làm chủ được kỹ thuật nuôi con vật này. Trại dê từ chục con ban đầu đã phát triển lên vài trăm con và đến nay là hơn một nghìn con. Toàn bộ là giống dê cỏ. Hiện, trang trại không chỉ cung cấp đủ nguồn thực phẩm cho nhà hàng của gia đình, còn xuất đi các tỉnh phía Bắc. Trại xuất ra thị trường bình quân trên 200 con dê thương phẩm/tháng, cao điểm xuất trên 300 con/tháng, doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đoài, thôn 5, xã Lang Quán (Yên Sơn) chăm sóc đàn dê.

Để mô hình ngày càng phát triển, ông Đoài liên kết các hộ dân trên địa bàn xã tham gia chăn nuôi dê tại trang trại. Theo ông Đoài, ngoài thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, tìm đầu vào, đầu ra ổn định thì mong muốn của trang trại là hỗ trợ, nhân rộng cho hộ khó khăn, hộ nghèo khác cùng phát triển nghề chăn nuôi này.

Ông Nguyễn Văn Hệ, thôn Hòa Đa, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) đã thành công với mô hình tổng hợp. Ông Hệ là lính trinh sát tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1986 đến năm 1990 phục viên. Khi trở về quê, cuộc sống thiếu thốn muôn trùng. Vợ chồng ông đã khai phá, xây dựng thành công trang trại rộng hơn 7 ha, trong đó hơn 6 ha trồng cây Quế, gần 1 ha trồng cây Dó bầu, đào ao nuôi cá và chăn nuôi trâu, hươu sinh sản. Dưới tán rừng, ông nuôi ong lấy mật, trồng cây dược liệu. Trang trại phát triển theo mô hình kinh tế tuần hoàn: Trâu, hươu sinh sản, phân trâu khai thác bón cây, nguồn thu từ cây đầu tư chăn nuôi. Hiện, vườn Quế đã đến kỳ khai thác, ước thu trên 1 tỷ đồng, cây trầm cũng thế. Đây là kỳ khai thác thứ 2, kỳ đầu gia đình ông thu vườn Quế được trên 1 tỷ, thu trầm từ Dó bầu được trên 700 triệu. 

Theo Hội Nông dân tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 31.800 hộ nông dân SXKD giỏi. Từ phong trào đã từng bước hình thành các vùng sản xuất hàng hóa nông sản quy mô tại các địa phương, phát triển các mô hình tổng hợp, hợp tác xã; nhiều hội viên nông dân đã liên kết để sản xuất tập trung, áp dụng quy trình sản xuất khép kín an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững.

Bài, ảnh: Trâm Anh

Tin cùng chuyên mục