Đón lộc chè Xuân

- Người trồng chè trên địa bàn tỉnh đang trải qua một vụ chè xuân đầy lo lắng. Thay vì niềm vui thu hoạch như mọi năm, họ phải đối mặt với tình trạng cây chè chậm phát triển, do thời tiết không thuận.

Nhiều diện tích chè ra búp chậm

Thông thường, vào thời điểm này, những đồi chè xanh mướt ở Sơn Dương đã bắt đầu vào vụ thu hoạch rộ. Thế nhưng, năm nay, thời tiết bất thuận, rét đậm kéo dài, kèm theo đó là tình trạng khô hạn đã khiến cây chè phát triển chậm hơn so với mọi năm. Thay vì những đồi chè xanh mướt, tấp nập người thu hoạch như thường lệ, năm nay, nhiều diện tích chè vẫn còn thưa thớt búp, thậm chí có nơi còn chưa ra búp.

Vụ chè xuân năm nay thu hoạch chậm hơn 1 tháng so với năm trước do thời tiết không thuận.

Ông Phạm Văn Minh, Tổ trưởng Tổ Hợp tác Chè Thanh Trà thôn Cảy, xã Minh Thanh (Sơn Dương) cho biết: Mấy tháng nay trời rét đậm, lại không có mưa khiến đất khô hạn. Cây chè không đủ sức phát triển nên búp ra rất chậm.

Theo ông Minh, vụ chè năm trước hơn 10 ha chè của Tổ hợp tác năng suất đạt 1,5 tấn chè khô/ha/năm, giá bán từ 220.000 - 250.000 đồng/kg, người dân thu lãi hơn 100 triệu đồng. Năm nay, vụ chè xuân đến muộn hơn mọi năm cả tháng trời. Trong khi đó, chi phí đầu tư cho phân bón, thuốc trừ sâu vẫn phải chi trả đầy đủ. Điều này khiến người trồng chè như ông càng thêm lo lắng. Hơn 10 ha chè của Tổ hợp tác thì chỉ có 2 ha cho ra búp đúng thời vụ, diện tích còn lại chưa có búp. Nếu thời gian tới có mưa, thì cũng phải đến tháng 3 dương lịch mới có chè để thu hoạch. Sản lượng chè ước giảm khoảng 3 tấn chè khô/ha.

Gia đình ông Đặng Văn Lương, ở thôn Khe Đảng,  xã Tứ Quận (Yên Sơn) cũng đứng ngồi không yên vì nương chè là nguồn thu nhập chính của gia đình. Theo ông Lương, thông thường,  nương chè hơn 1 ha của gia đình ông thu được khoảng 8 - 10 lứa chè/năm, đạt sản lượng khoảng 7 tấn chè búp tươi. Tuy nhiên, năm nay do lạnh, hạn kéo dài, chè cho búp nhỏ, ít búp hơn mọi năm, nhiều diện tích bị sâu bệnh rất khó chăm sóc. Ông Lương chia sẻ: “Để ứng phó với tình hình thời tiết bất thuận, tôi phải áp dụng nhiều biện pháp chăm sóc khác nhau, tỉa cành, tạo tán, thường xuyên tưới nước cho chè, bón phân để cây có đủ sức phát triển. Năm nay, chè ra búp ít, năng suất ước giảm 20% so với mọi năm”. 

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất

Không chỉ vùng trồng chè xã Minh Thanh, Tứ Quận, nông dân ở nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng gặp phải tình trạng tương tự khiến sản lượng chè búp giảm mạnh. Người trồng chè các địa phương hầu hết không có giải pháp để đảm bảo nước tưới cho cây trồng chủ lực này vì diện tích quá lớn, trong khi nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất cũng đang thiếu.

Nông dân xã Trung Yên (Sơn Dương) lo lắng sản lượng chè xuân giảm.

Ông Nguyễn Công Thành, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Dương cho biết: Thời tiết lạnh, khô hạn kéo dài khiến việc đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn cũng gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, diện tích chè của huyện tương đối lớn (trên 1.800 ha), lại không có hệ thống tưới nên khó điều tiết nguồn nước, sản xuất vẫn chủ yếu phụ thuộc vào thời tiết. Huyện đang vận động bà con tận dụng tối đa nguồn nước để tưới cho chè. Đồng thời, hướng dẫn người dân các biện pháp chăm sóc cây chè hiệu quả. Ngoài ra, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, vận động nhân dân thực hiện lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến theo Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, để chủ động hơn trong việc tưới tiêu cho chè, đặc biệt là trong những thời điểm khô hạn kéo dài.  

Theo thống kê của Ngành nông nghiệp, toàn tỉnh hiện có trên 8.000 ha chè, tập trung ở các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang... Trong đó, có gần 800 ha chè áp dụng tưới chủ động, tiết kiệm nước. Năm 2025, tỉnh đặt mục tiêu sản lượng chè đạt trên 76.000 tấn (chè búp tươi), năng suất đạt trên 95 tạ/ha. Là cây trồng chủ lực với diện tích lớn, việc thời tiết bất thuận làm sản lượng chè búp giảm chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng chè. Ngay từ lúc này, các cấp, ngành, địa phương cần sớm có giải pháp để giảm thiểu ảnh hưởng của hạn hán gây ra đối với diện tích chè của tỉnh.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, ngoài mở rộng diện tích tưới tiết kiệm, về lâu dài, cần tiếp tục nghiên cứu, đưa những giống chè mới trồng thay thế tại các vùng sản xuất tập trung bằng các giống chè mới, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, phù hợp với từng vùng sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư xây dựng hệ thống trạm bơm, điều tiết nước tưới ở các vùng chuyên canh trồng chè. Khi đó, người dân mới chủ động chống hạn được cho cây trồng, góp phần hạn chế những thiệt hại do thời tiết bất thuận gây ra.

Bài, ảnh: Lý Thu

Tin cùng chuyên mục