Ứng phó với hạn hán, thiếu nước trong sản xuất, sinh hoạt

- Kể từ sau trận lũ lụt lịch sử hồi tháng 9-2024, trên địa bàn tỉnh gần như không có mưa, nếu có mưa lượng nước rất ít ỏi. Nguồn nước bổ sung thiếu khiến mực nước tại các ao, hồ, sông, suối dần cạn kiệt, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt

Kế hoạch niên vụ mía 2024-2025, toàn tỉnh trồng mới, trồng lại 1.000 ha mía nguyên liệu và theo khung lịch tháng 2 - 3 là thời điểm thích hợp nhất để xuống giống. Vậy nhưng đã gần hết tháng 2, toàn tỉnh mới trồng được khoảng 50 ha, chiếm 5% kế hoạch.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra các trạm bơm dọc theo sông Lô.

Xã Chi Thiết  (Sơn Dương) vùng lõi nguyên liệu mía đến thời điểm này mới chỉ xuống giống được 2,5 ha trong tổng kế hoạch 15 ha. Anh Nguyễn Đăng Khoa, cán bộ khuyến nông xã cho biết: Thời tiết không có mưa ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là tiến độ trồng mía. Hiện tại chỉ những diện tích tiện tưới tiêu, xã mới cấp giống để người dân trồng, còn lại vẫn chờ mưa mới tiến hành làm đất để xuống giống.

Giáp ranh xã Chi Thiết, tại xã Hào Phú, tiến độ trồng mía cũng đang bị chậm, nguyên nhân là do thời tiết không có mưa. Theo lãnh đạo UBND xã Hào Phú, niên vụ 2022 - 2023, người dân tập trung trồng mà không quan tâm đến thời tiết khiến hàng chục ha mía mới trồng bị thiệt hại. Rút kinh nghiệm, xã đã lùi khung lịch xuống giống, để giảm thiểu thiệt hại.

Ông Ngụy Như Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Mía đường Sơn Dương cho biết: Công ty đã chuẩn bị 10 nghìn tấn phân, 14 nghìn tấn mía giống và máy làm đất để đầu tư, hỗ trợ người dân trồng mía. Thích ứng với tình hình thời tiết, công ty đã có kế hoạch điều tiết vật tư, giống đến những vùng thấp trồng trước, những khu vực cao khi thuận lợi sẽ tập trung trồng sau, đảm bảo mía trồng đến đâu, nảy mầm, phát triển đến đó.

Không những cây mía, nhiều diện tích cây màu của các hộ dân trên địa bàn thành phố Tuyên Quang, huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa thời điểm này mới xuống được giống. Bà Phạm Thị Xuyên, tổ 7, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cho biết: May mắn những ngày vừa qua, thời tiết có mưa, dù lượng mưa không nhiều nhưng cũng đủ tạo độ ẩm để bà và người dân có đất canh tác trong khu vực xuống giống. So với mọi năm tiến độ gieo trồng ngô lấy hạt chậm 20 ngày song vẫn trong khung thời vụ. 

Thiếu nước cho sản xuất, nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt người dân cũng đang phải tằn tiện bởi đây chưa phải đã là cao điểm của hạn hán. Theo kết quả rà soát của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, toàn tỉnh có 7 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn đang bị thiếu hụt nguồn nước để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân.

Trong đó, huyện Lâm Bình có 6 công trình gồm: Công trình cấp nước xã Thổ Bình, thị trấn Lăng Can, xã Phúc Yên, xã Xuân Lập, xã Thượng Lâm, xã Bình An. Huyện Sơn Dương có một công trình là công trình cấp nước xã Ninh Lai. Thiếu hụt nguồn nước đang ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân đặc biệt là những khu vực vùng cao, xa công trình nước. Ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Hoàng Tân, xã Ninh Lai cho biết: Do ở xa công trình nước nên lượng nước chảy về hạn chế, đặc biệt vào những giờ cao điểm nước càng khan hiếm. Không còn cách nào khác gia đình phải tằn tiện lúc nước khó khăn này.

Theo dự báo của Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh, mùa khô năm nay được dự báo sẽ kéo dài, nguồn nước bổ sung bị thiếu hụt đã ảnh hưởng cả diện tích nước mặt và nguồn nước ngầm, tác động xấu đến hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Ứng phó với tình huống thiếu nước

Phòng, chống hạn hán, thiếu nước UBND tỉnh có công văn yêu cầu các huyện, thành phố, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các biện pháp cấp bách ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước.

Người dân thôn Đồng Gianh, xã Đức Ninh (Hàm Yên) chuyển đổi diện tích đất khó khăn nguồn nước sang trồng cây ưa hạn.

Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Khí tượng và Thủy văn theo dõi, cập nhật, tình hình nguồn nước, ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt; kiểm kê, nắm chắc thông tin về nguồn nước trên địa bàn để cập nhật phương án, kế hoạch phòng, chống nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, của địa phương phù hợp với các kịch bản. Các địa phương xác định các khu vực có nguy cơ xảy ra bị hạn hán, thiếu nước để cảnh báo Nhân dân tổ chức sản xuất, nuôi trồng cho phù hợp; chủ động tổ chức triển khai giải pháp bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho nhân dân, không để thiếu nước sinh hoạt, trường hợp cần thiết phải huy động lực lượng, phương tiện vận chuyển nước để cung cấp cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, kiêm Trưởng ban quản lý công trình thủy lợi xã Vĩnh Lợi (Sơn Dương) cho biết: Ban đã chuẩn bị 3 máy bơm dã chiến để bơm nước tăng bo vào các ao chứa, tiếp đến là bơm điều tiết đến diện tích lúa mới cấy. Đối với những diện tích khó khăn về nguồn nước tưới, ban đã đề nghị người dân chuyển đổi từ trồng lúa sang các loại cây trồng chịu hạn như ngô, đậu đỗ. Trước mắt tại thời điểm này, chưa ghi nhận diện tích cây trồng bị ảnh hưởng do thiếu nước.

Đối với nguồn nước sinh hoạt, Công ty cấp thoát nước Tuyên Quang, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn cũng đã thực hiện phương án cấp nước theo khung giờ cho từng khu vực để chia sẻ cơ hội dùng nước cho tất cả mọi người. Trong trường hợp các khu vực quá khó khăn về nguồn nước, sẽ sử dụng xe chuyên dụng để đưa nước về cho người dân, đảm bảo không hộ dân nào bị thiếu nước sinh hoạt, ảnh hưởng đến cuộc sống.

Theo dự báo của cơ quan chức năng, thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, khả năng mưa đầu mùa sẽ xuất hiện muộn hơn đồng nghĩa với việc nguồn nước bổ sung sẽ chậm. Ổn định sản xuất, sinh hoạt hơn lúc nào hết người dân cần chủ động, tiết kiệm, sử dụng hợp lý nước, hạn chế thất thoát.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Tin cùng chuyên mục