Dám nghĩ, dám làm
Năm 2023, anh Trương Công Định, một nông dân ở thôn Trại Mít, xã Hào Phú (Sơn Dương), đã gây bất ngờ khi đầu tư nửa tỷ đồng mua máy bay không người lái để phục vụ sản xuất nông nghiệp và cung cấp dịch vụ phun thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều người ban đầu cho rằng anh “gàn dở”, nhưng anh đã chứng minh rằng đó là quyết định đúng đắn.
Chị Nông Thị Lịch, Giám đốc HTX Vịt bầu Minh Hương tại Lễ tôn vinh và trao danh hiệu Hợp tác xã tiêu biểu toàn quốc năm 2024.
Anh Định bảo: Để làm chủ công nghệ, anh dành hơn nửa tháng học kỹ thuật tại xưởng lắp ráp thiết bị, nhận hướng dẫn từ các kỹ sư, đồng thời tự nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm với những người sử dụng thiết bị trước mình. Sau hơn một tháng, anh đã thành thạo việc điều khiển máy bay.
Với thiết bị này, anh có thể phun thuốc bảo vệ cây trồng hiệu quả, nhanh chóng và an toàn. Chỉ cần pha thuốc, lắp vào máy và điều khiển từ xa, thiết bị sẽ thực hiện nhiệm vụ theo lộ trình đã định, giúp tiết kiệm công sức và loại bỏ nguy hiểm khi tiếp xúc trực tiếp với hóa chất. Ngoài việc phục vụ gia đình, anh Định còn nhận nhiều hợp đồng dịch vụ từ người dân trong và ngoài huyện, góp phần đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp tại địa phương.
Bước vào khu vườn rau thủy canh của anh Hoàng Mạnh Cường, thôn 11, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang), ai cũng ngỡ như đang ở Đà Lạt. Với diện tích 600 m2 nhà lưới, anh áp dụng công nghệ thủy canh hồi lưu hiện đại, cho ra sản phẩm sạch, chất lượng cao.
Anh Cường vừa nhanh tay tỉa bớt mầm nhánh của giàn dưa chuột vừa chia sẻ, nhận thấy nhu cầu ăn sạch ngày càng được đông đảo người dân quan tâm và ưu tiên, cuối năm 2020, anh quyết định đầu tư mô hình thủy canh hồi lưu trên diện tích 300 m2. Tự mày mò thiết kế và lắp ráp hệ thống giàn, ống nhựa, anh không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn dễ dàng cải tiến theo nhu cầu sản xuất.
Vườn rau thủy canh của anh Hoàng Mạnh Cường, thôn 11, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).
Trên cùng một đơn vị diện tích canh tác đã cho thu nhập cao hơn so với trồng các loại rau đậu khác trên nền đất. Thấy có hiệu quả, năm 2021, anh tiếp tục mở rộng quy mô. Hiện tại anh có 600 m2 nhà lưới, toàn bộ diện tích được lắp đặt hệ thống dẫn nước tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel được điều khiển bằng điện thoại thông minh. Với công nghệ này, nước và dưỡng chất được dẫn tự động qua hệ thống ống, đảm bảo cây trồng phát triển đồng đều, tiết kiệm nước, phân bón và nhân công, đồng thời giảm thiểu tác động bất lợi từ thời tiết và sâu bệnh. Nhờ mô hình này, anh đã tạo ra sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nông dân thời đại 4.0
Không chỉ sáng tạo trong sản xuất, nông dân ngày nay còn biết tận dụng mạng xã hội như một công cụ đắc lực để kinh doanh và quảng bá sản phẩm.
Sản phẩm OCOP trà túi lọc đậu đen xanh lòng Kim Bình được nhiều du khách chọn làm quà tặng.
Anh Nguyễn Văn Thế Anh, người con của vùng chè Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) là một trong những người đầu tiên đưa sản phẩm chè Tuyên Quang lên kênh TikTok và đạt doanh số bán hàng vượt trội. Xuất thân từ gia đình có truyền thống trồng chè, sau khi tốt nghiệp Đại học Công nghiệp và làm việc ba năm tại Nhật Bản, Thế Anh quyết định trở về quê hương, phát triển cây chè theo hướng hiện đại.
Với 2 ha chè được chăm sóc theo tiêu chuẩn sạch, anh Thế Anh không ngừng tìm cách nâng tầm giá trị sản phẩm. Anh lập kênh TikTok Theanh22, đăng ký nhãn hiệu “Trà Thế Anh 22” và đăng tải những video sáng tạo về quy trình sản xuất, chế biến chè. Các video của anh thu hút gần 90.000 lượt theo dõi, với video cao nhất đạt 3,4 triệu lượt xem.
Nhờ sự kiên trì và đổi mới, Thế Anh hiện nhận được hơn 200 đơn hàng mỗi ngày, tiêu thụ từ 3 - 5 tấn chè mỗi tháng. Anh còn liên kết với hơn 20 hộ trồng chè, thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con. Không giữ cho riêng mình, Thế Anh còn hỗ trợ nông dân ứng dụng mạng xã hội để quảng bá sản phẩm, góp phần đưa chè Tuyên Quang vươn xa.
Các sản phẩm từ chanh tứ mùa được anh Khổng Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Công nghệ cao Việt Bắc tại phường Đội Cấn (TP Tuyên Quang) quảng bá trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Bà Đào Thị Mai, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang khẳng định: Những “nông dân hiện đại” chính là những nhân tố quan trọng trong việc đưa nông sản của tỉnh vươn xa. Họ không chỉ đổi mới trong sản xuất mà còn góp phần nâng cao giá trị thương hiệu của nông sản địa phương trên thị trường cả nước. Hội Nông dân tỉnh hiện đang tích cực khuyến khích các địa phương hỗ trợ nông dân trong việc tiếp cận khoa học công nghệ, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua các kênh thương mại điện tử. Mục tiêu là xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, nơi mỗi người nông dân đều có thể trở thành “doanh nhân” trên chính mảnh đất của mình.
Gửi phản hồi
In bài viết