Nông dân tích cực sản xuất vụ xuân

- Những ngày đầu xuân Giáp Thìn, trên khắp các cánh đồng trong tỉnh, không khí lao động của bà con nông dân rộn ràng khẩn trương, phấn đấu hoàn thành lịch trồng cấy trong khung thời vụ tốt nhất.

Xóa bỏ tâm lý “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ngay từ mùng 3 Tết, người dân trên địa bàn xã Quý Quân (Yên Sơn) đã tấp nập xuống đồng làm đất cấy lúa, trồng ngô, chăm sóc cây bưởi cho kịp thời vụ.

Trên cánh đồng thôn 5, chị Bàn Thị Bích đang cấy nốt số mạ trên thửa ruộng của mình. Nhanh tay dúi những nhánh mạ cuối cùng, chị Bích cho biết: thời điểm trước Tết, chúng tôi đã hoàn thành việc làm đất, gieo mạ, hiện chúng tôi hoàn thành xong hết việc cấy.

Nông dân xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) nỗ lực hoàn thành các diện tích lúa Xuân.

Cũng giống như gia đình chị Bích, bà Triệu Thị Duyên, thôn 5 cũng tất bật chăm sóc cây trồng vụ xuân. Bà Duyên chia sẻ: thu nhập chính của gia đình là bưởi và rừng. Đây là thời điểm tốt nhất để người dân bón phân, tỉa cành, vặt nhánh bưởi. Nếu không làm đúng khung thời vụ, vườn bưởi sẽ có nguy cơ mất mùa, vậy nên ngay từ mùng 3 Tết, gia đình bà đã ra vườn làm việc. Ngay sau khi hoàn thành chăm sóc vườn bưởi, tranh thủ tiết trời mưa xuân, đất ẩm, gia đình bà bắt tay ngay vào việc xử lý thực bì, chuẩn bị cây giống trồng rừng.

Đến cánh đồng thôn Nà Lá, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa) chúng tôi cũng bắt gặp không khí lao động sản xuất khẩn trương, đông vui của các hộ nông dân. Tranh thủ thời tiết nắng ấm trước khi có không khí lạnh về, người dân thôn Nà Lá tập trung làm cỏ, chăm sóc vụ lúa xuân. Tiếng nói, tiếng cười của những người nông dân gọi nhau xuống đồng làm cho cả cánh đồng trở nên nhộn nhịp.

Tay bê chậu phân rắc quanh đám ruộng, anh Hà Thanh Tuấn chia sẻ: hiện tại gia đình anh đang tập trung chăm sóc bón phân và làm cỏ lúa. Trước đây người dân thường giảm bớt công làm cỏ bằng phun thuốc, nhưng vụ Xuân này, anh và người dân trong thôn được tuyên truyền, hướng dẫn không phun thuốc mà làm cỏ hoàn toàn bằng tay để đảm bảo sức khỏe. 

Anh Dương Đình Nhất, Phó Giám đốc HTX Nông Lâm nghiệp Kim Phú, thành phố Tuyên Quang cho biết: để việc lấy nước đổ ải cho người nông dân trên địa bàn không bị gián đoạn, HTX đã phân công trực 24/24 giờ, không nghỉ Tết. Với quyết tâm không để cánh đồng nào, một khu ruộng nào bị thiếu nước gieo cấy, ngay từ đầu vụ đổ ải chiêm xuân năm 2024, chúng tôi đã tích nước tại các hồ chứa, phục vụ đủ nguồn nước cho người nông dân trồng cấy vụ xuân. Đến nay, các hộ dân gieo cấy lúa đạt 100% và đang tập trung giai đoạn chăm sóc, làm cỏ.

Vụ Xuân năm 2024, toàn tỉnh có kế hoạch gieo trồng gần 40.000 ha cây trồng các loại. Trong đó, cấy lúa trên 18.000 ha, ngô trên 12.000 ha, lạc trên 3.000 ha, mía trên 2.000 ha, rau củ trên 1.500 ha... Đồng chí Nguyễn Thành Long, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: để sản xuất vụ xuân đạt năng suất, sản lượng cao, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch sản xuất vụ xuân và cả năm 2024 đảm bảo phù hợp tình hình thực tế của từng địa phương. Đồng thời, tham mưu cho Sở ban hành hướng dẫn sử dụng giống và thời vụ năm 2024 và các văn bản chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thu hoạch cây trồng vụ đông năm 2023, triển khai sản xuất vụ Xuân năm 2024; hướng dẫn sản xuất, phòng chống rét, phòng chống sinh vật gây hại và phòng trừ chuột cho cây trồng. Ngoài thực hiện tốt công tác điều tra, dự tính, dự báo tình hình sinh vật gây hại trên các loại cây trồng để hướng dẫn các biện pháp phòng trừ kịp thời, chi cục phối hợp với các cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra nắm tình hình sản xuất tại cơ sở để kịp thời tham mưu, ban hành các văn bản chỉ đạo sản xuất đảm bảo theo đúng khung thời vụ.

Việc sản xuất vụ xuân của nông dân trên địa bàn tỉnh năm nay khá thuận lợi. Đến thời điểm 20-2, toàn tỉnh đã gieo cấy được trên 15.000 ha lúa, đạt gần 90% kế hoạch. Hiện các diện tích lúa đang giai đoạn sinh trưởng, bén rễ và phát triển; diện tích ngô đạt trên 7.900 ha, đạt 99% kế hoạch; lạc đạt gần 2.300 ha, đạt 69% kế hoạch... Một số địa phương có diện tích gieo cấy đạt cao, như: Sơn Dương, Lâm Bình, Chiêm Hóa. Đối với những địa phương có diện tích chưa hoàn thành, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đôn đốc người dân tập trung gieo cấy nốt diện tích đất còn lại, đồng thời chăm sóc, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh gây hại.      

 Bài, ảnh: Bàn Thanh

Tin cùng chuyên mục