Làng nghề chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) là làng nghề sản xuất và chế biến chè được công nhận đầu tiên của tỉnh. Làng nghề có 180,2 ha với 110 hộ trồng và chế biến chè. Trải qua gần 10 năm hình thành và phát triển, hiện làng nghề hoạt động ổn định, cho thu nhập cao. Với lợi thế thổ nhưỡng, khí hậu, người dân có kinh nghiệm nhiều năm trong sản xuất, nhanh chóng tiếp cận khoa học kỹ thuật trong trồng và chế biến chè nên sản phẩm ngày càng khẳng định được thương hiệu. Sản phẩm chè của làng nghề đã đoạt cúp đồng tại Festival Chè Thái Nguyên năm 2015, năm 2019, chè Vĩnh Tân được chứng nhận OCOP 3 sao. Từ việc tạo dựng nên thương hiệu của làng nghề, đến nay sản phẩm chè của làng nghề chè Vĩnh Tân luôn giữ mức giá từ 150.000 - 230.000 đồng/kg tùy từng loại chè, thu nhập bình quân đạt hơn 45 triệu đồng/người/năm.
Diện tích chè được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ ở xã Bình Yên (Sơn Dương).
Anh Phạm Văn Rẫn, thôn Vĩnh Tân chia sẻ, có thời điểm tưởng như nghề làm chè bị mai một, bởi thu nhập từ làm chè rất thấp, rất nhiều hộ chuyển đổi. May mắn tỉnh, huyện có chính sách gìn giữ, phát triển, làng chè Vĩnh Tân được hồi sinh. Bản thân gia đình anh cũng được hưởng lợi từ các chính sách như vay vốn, tập huấn kỹ thuật sản xuất chè an toàn. Theo anh Rẫn trước đây làm chè không đủ ăn, còn giờ với hơn 1 ha chè, anh đã có thu nhập ổn định khoảng 150 triệu đồng. Cũng từ làm chè, gia đình anh xây được nhà, nuôi dạy con cái ăn học chu đáo.
Cũng tại huyện Sơn Dương, kể từ khi được công nhận làng nghề người dân thôn Cảy, xã Minh Thanh như được tiếp thêm động lực. Theo ông Dương Đức Viện, Trưởng thôn Cảy, nâng cao chất lượng sản phẩm, người dân đã hướng sản xuất chè theo tiêu chuẩn sạch, an toàn. Thôn đã thành lập nhóm hộ trồng, sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 10 ha, 10 hộ tham gia. Đến nay, sau 2 năm được công nhận chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, giá bán chè của làng nghề tăng từ 80.000 - 120.000 đồng/kg lên 150.000 - 200.000 đồng/kg. Tới đây làng nghề sẽ thành lập tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chè.
Theo đồng chí Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Dương, ngoài các cơ chế chính sách của tỉnh về phát triển sản xuất nông nghiệp như: Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết về phát triển cây, con đặc sản... Huyện cũng dành nguồn lực để đầu tư phát triển các làng nghề truyền thống như: Chuyển giao tiến bộ khoa học, kỹ thuật; hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm…Sự quan tâm của tỉnh, chủ động của huyện làng nghề chè trên địa bàn Sơn Dương được bảo tồn, phát triển.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tuyên Quang, trên địa bàn tỉnh hiện đã có 16 làng nghề hình thành và phát triển, trong đó có 8 làng nghề đã được công nhận, 8 làng nghề còn lại đang được thẩm định. Trong số này, 14 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản; 1 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 1 làng nghề thuộc nhóm ngành nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt, thêu ren...
Đồng chíLê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn cho biết, phát triển ngành nghề nông thôn, đặc biệt là làng nghề truyền thống đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện và nâng cao đời sống nông thôn. Đồng thời, tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương tạo ra hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đây là điều kiện thuận lợi để ngành nông nghiệp phát triển.
Bên cạnh kết quả đạt được việc bảo tồn, phát triển ngành nghề, trong đó có làng nghề ở vùng nông thôn đang gặp những khó khăn. Bởi hầu hết các cơ sở ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường, năng lực trình độ tổ chức quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh còn hạn chế, thiếu vốn, tính liên kết và hợp tác trong sản xuất còn yếu; sản phẩm hàng hóa của làng nghề nông thôn chưa đa dạng. Hiện 8 làng nghề được công nhận chỉ duy nhất trên ngành nghề chè. Dù vậy sản phẩm chè của 8 làng nghề này cũng mới chỉ đạt tiêu chuẩn 3 sao, chưa thực sự có sức cạnh tranh cao với sản phẩm cùng loại trong và ngoài tỉnh. Do câu chuyện về trình độ lao động, ứng dụng khoa học kỹ thuật, vốn đầu ra cũng như xây dựng, bảo tồn và phát triển thương hiệu...
Theo đồng chí Nguyễn Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở đã phối hợp với các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó có hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề thông qua dự án hỗ trợ nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngành cũng tham mưu với tỉnh đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, đặc biệt chú trọng những sản phẩm có chất lượng cao, mang tính truyền thống đặc trưng của ngành nghề; phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện của từng địa phương, tổ chức liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối với hướng tổ chức nông dân sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn, chất lượng đảm bảo gắn với chế biến và tiêu thụ; chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn, làng nghề.
Gửi phản hồi
In bài viết