Ưu thế vượt trội
Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long hiện có 20 ha chè của 8 thành viên. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, để xây dựng thương hiệu chè sạch, 3 năm trước, hợp tác xã đã thực hiện các quy trình trồng chè hữu cơ trên 3 ha, vì vậy việc tái thiết đất là nhiệm vụ hàng đầu. Đất, nước được loại bỏ tồn dư chất hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để tạo ra sản phẩm chè sạch làm nức lòng người tiêu dùng. Trung bình mỗi năm đạt 1,7 tấn chè khô/3 ha, giá bán bình quân 700 nghìn đồng/kg (giá bán cao gấp 3,5 lần so với sản xuất thông thường), doanh thu trên 1 tỷ đồng.
Sản phẩm minh bạch về quy trình sản xuất, được xây dựng nhãn hiệu, có tem truy xuất nguồn gốc, gắn 4 “sao” OCOP cho sản phẩm chè xanh hữu cơ, 3 sao OCOP cho sản phẩm chè xanh, đây là tấm “vé” để chè của hợp tác xã vào được thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình... Anh Thắng bảo, tới đây, hợp tác xã sẽ cho ra mắt sản phẩm chè nõn được sản xuất theo quy trình hữu cơ và chiến lược dài hạn, phấn đấu đến năm 2025 sản phẩm chè sản xuất theo quy trình hữu cơ của đơn vị sẽ được xuất khẩu ra nước ngoài, tiêu điểm là các nước châu Âu.
Vườn chè của Hợp tác xã Ngân Sơn Trung Long trồng theo hướng hữu cơ.
Người trồng cam Hàm Yên đã sản xuất theo hướng chuyên canh, thâm canh cao, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cam sành. Toàn huyện hiện có trên 700 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, điều chưa từng có trong 5 năm trở về trước. Trải nghiệm tại vườn cam của anh Tô Văn Quý, thôn Đồng Lệnh, xã Tân Thành mới thấy rõ sự thay đổi của sản xuất hữu cơ. Toàn bộ quy trình chăm sóc được tuân thủ chặt chẽ, bón phân chuồng ủ hoai với chế phẩm vi sinh có ưu điểm bổ sung chất hữu cơ, tăng chất mùn giúp cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất, bảo vệ sức khỏe người làm vườn, người tiêu dùng. Giá bán cam luôn đạt bình quân 20.000 đồng, cao gấp 3 lần so với canh tác thông thường. Vụ cam năm 2021, gia đình anh Quý có hơn 600 gốc cam hữu cơ, dự kiến cho thu hoạch khoảng 10 tấn quả.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, hiện tỉnh ta có 687 ha cam VietGAP, 30 ha cam hữu cơ, 729 ha chè theo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, 93 ha chè VietGAP, 24 ha chè hữu cơ. Hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 1.835 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và các tiêu chuẩn tương đương. Tỉnh đã hình thành vùng sản xuất chè 8.500 ha, vùng cam trên 8.600 ha, vùng bưởi 5.000 ha, vùng lạc 4.500 ha... Trong đó, một số cây trồng đạt giá trị cao như cam đạt 197 triệu đồng/ha/năm, bưởi đạt 170 triệu đồng/ha/năm, lạc đạt 131,7 triệu đồng/ha/năm... Việc chuyển đổi sang sản xuất sạch, sản xuất hữu cơ không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn cải tạo, giữ gìn nguồn tài nguyên đất đai, bảo vệ môi trường sống.
Mục tiêu của tỉnh, ngành Nông nghiệp đề ra là sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc trưng. Để thực mục tiêu trên, tỉnh đã ban hành cơ chế chính sách bảo đảm triển khai vùng sản xuất sạch mang lại giá trị cao cho người dân. Theo đó, Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã xác định 1,5 diện tích trồng cây chủ lực của các huyện, thành phố phải chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ để tạo sức cạnh tranh cho sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng trên đơn vị diện tích.
“Chìa khóa” mở hướng tương lai
Tin vui trước thềm năm mới khi nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Mới đây nhất, Bộ Khoa học và Công nghệ quyết định phê duyệt dự án đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm thịt trâu huyện Chiêm Hóa. Trước đó, tỉnh ta đã có 3 chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ gồm: Chỉ dẫn địa lý “Hàm Yên” cho sản phẩm cam quả huyện Hàm Yên; chỉ dẫn địa lý “Na Hang” cho sản phẩm chè Shan tuyết huyện Na Hang; chỉ dẫn địa lý “Soi Hà” cho sản phẩm bưởi huyện Yên Sơn. Đây là tiền đề để các sản phẩm của Tuyên Quang vươn lên mạnh mẽ và tiếp cận các thị trường ngoài nước.
Sản phẩm nông nghiệp sạch, đặc trưng được quảng bá, giới thiệu tại Hội chợ Thương mại - Du lịch Tuyên Quang năm 2020.
Chè Shan tuyết Na Hang từ lâu đã trở thành sự lựa chọn hàng đầu cho giới sành trà trong cả nước. Sản phẩm lúc nào cũng bị “cháy”, nhất là vào dịp lễ Tết không có hàng để bán. Trên địa bàn huyện hiện có 1.146 ha chè Shan tuyết, tập trung ở các xã Sinh Long, Hồng Thái, Khau Tinh, Thượng Nông, Thượng Giáp, Sơn Phú. Toàn bộ đều là chè hữu cơ, búp chè non mơn mởn được nuôi dưỡng bởi làn sương giăng trong suốt của mây trời vùng cao, vậy nên khi uống trà Shan tuyết Na Hang người thưởng trà như được uống cả hương đất, hương trời...
Hơn 4.000 ha bưởi thuộc vùng chỉ dẫn địa lý của sản phẩm bưởi Soi Hà vừa được Cục Sở hữu trí tuệ bảo hộ, gồm các xã Phúc Ninh, Xuân Vân, Chiêu Yên, Lực Hành, Tứ Quận, Trung Trực, Quý Quân, Tân Long, Kiến Thiết, Tân Tiến, Lang Quán và thị trấn Yên Sơn. Được bảo hộ chỉ dẫn địa lý đã nâng tầm sản phẩm bưởi, nâng cao giá trị gia tăng cho người dân. Người dân các xã đang chăm sóc bưởi theo hướng hữu cơ, VietGAP để thương hiệu bưởi Soi Hà ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến. Mặc dù dịch bệnh Covid-19 gây khó khăn cho đầu ra, nhưng những người trồng bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ trong vùng vẫn bán được giá. Bưởi Yên Sơn hiện vẫn bán với giá từ 10 - 12 nghìn đồng/quả, gấp đôi so với bưởi loại thường. Một số loại bưởi đặc sản như bưởi da xanh có giá 25 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/quả.
Thương hiệu là yếu tố cạnh tranh quan trọng cho sự tồn tại và phát triển sản phẩm hàng hóa, đặc biệt hiện nay trước đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng 4.0 thì sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nhãn hiệu hàng hóa được bảo hộ từ các cơ quan chức năng của Nhà nước. Những điều này đang được tỉnh ta hướng tới và thực hiện hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 54 sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chứng nhận nhãn hiệu; trên 200 sản phẩm được dán tem truy xuất nguồn gốc; 24 cơ sở được chứng nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn...
Gửi phản hồi
In bài viết