Trong năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Chiêm Hóa đã tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với chuỗi giá trị liên kết và thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Huyện tập trung vào các sản phẩm có lợi thế. Đồng thời, chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, đảm bảo môi trường sinh thái và phát triển bền vững. Đặc biệt, chuyển mạnh kinh tế cá thể nhỏ lẻ, hiệu quả thấp sang kinh tế tập thể; nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã (HTX) hoạt động lĩnh vực nông nghiệp. Huyện cũng đẩy mạnh sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm có lợi thế; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực và đặc sản trên địa bàn huyện.
Chè Pà Thẻn xã Linh Phú, huyện Chiêm Hóa.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa Trần Thị Mai Phương cho biết, điểm nhấn trong phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của huyện trong năm qua là phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với khai thác tốt tiềm năng lợi thế của huyện, ứng dụng các giống mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và hợp tác liên kết vùng trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các cây chủ lực được đầu tư chiều sâu gắn với thị trường tiêu thụ. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều vùng nguyên liệu tập trung như: sản xuất lạc giống xã Tân Mỹ, Hùng Mỹ; trồng cam sành xã Hà Lang, Trung Hà; trồng chuối tây các xã Kim Bình, Tri Phú… Huyện đã thực hiện hiệu quả mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò vỗ béo; phát triển chăn nuôi trâu giống chất lượng cao theo phương pháp thụ tinh nhân tạo; phát triển thủy sản trên hồ thủy điện Chiêm Hóa. Nổi bật, huyện đã thực hiện hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất như mô hình liên kết chăn nuôi trâu, bò thịt an toàn sinh học với tổng số đàn trâu, bò vỗ béo; liên kết sản xuất ngô sinh khối 500 ha; liên kết sản xuất và tiêu thụ mía; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dưa chuột; liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gấc.
Người dân bản Dao thôn Phia Xeng, xã Hà Lang thu hái cam.
Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế tạo tiền đề để các địa phương xây dựng, duy trì và phát triển có hiệu quả chất lượng các sản phẩm OCOP. Đến nay, huyện xây dựng được 17 sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng từ 3 sao trở lên, gồm 12 sản phẩm OCOP năm 2020 và 5 sản phẩm đã được đánh giá phân hạng dự kiến công nhận sản phẩm OCOP năm 2021. Trong đó, có 5 sản phẩm OCOP đánh giá, phân hạng đạt 4 sao gồm: Bánh gai Chiêm Hóa, Trà túi lọc đậu đen xanh lòng Chiêm Hóa, Thịt trâu Hùng Mỹ, Cam sành Trung Hà, Chè đinh Pà Thẻn Linh Phú… Kết quả trên là tiền đề quan trọng để huyện Chiêm Hóa tiếp tục phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập người dân.
Một mùa xuân nữa lại về trên những vườn cây trái sai trĩu quả, thành quả của công cuộc tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã và đang tạo khí thế để các xã, thị trấn và nông dân huyện Chiêm Hóa tiếp tục tự tin bước vào một năm sản xuất mới bội thu.
Gửi phản hồi
In bài viết