Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh thăm nông trại cây và hoa tại xã Hợp Thành (Sơn Dương).
Quan tâm đầu tư phát triển sản phẩm chủ lực
Cụ thể hóa Nghị quyết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho tỉnh ban hành 14 Nghị quyết, Chương trình, Đề án, Chính sách, Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tham mưu ban hành 1 Nghị quyết của Tỉnh ủy; 1 Nghị quyết của HĐND tỉnh; 2 Đề án và 10 Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh tập trung vào các đối tượng cây trồng chủ lực, có lợi thế cạnh tranh.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, những quyết sách có tính chiến lược, việc triển khai được thực hiện khẩn trương, hiệu quả sản xuất nông nghiệp của tỉnh đang tạo ra bước đột phát lớn; các trục sản phẩm chủ lực, đặc sản đã được định hướng phát triển theo 04 Vùng núi cao phía Bắc, Vùng đồi núi phía Bắc, Vùng trung tâm, Vùng phía Nam để phát huy tối đa lợi thế so sánh của địa phương, đảm bảo bài bản, gắn với cơ chế chính sách cụ thể; ngành nông nghiệp sẽ được cơ cấu lại, chuyển đổi sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất theo chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa lớn, tập chung; tổ chức lại sản xuất, chế biến, phân phối nông sản sao cho các nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã); ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, tiêu chuẩn chất lượng nông sản hàng hóa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và thị trường quốc tế.
Sản phẩm na Tuyên Quang được bày bán tại chuỗi điểm bán xanh Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Toàn tỉnh hiện có trên 8.500 ha chè; trên 8.600 ha cam; trên 5.000 ha bưởi; trên 4.500 ha lạc, trong đó trên 1.690 ha diện tích cây trồng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn gồm: chè 850 ha; cây cam 791 ha; cây bưởi trên 35 ha và một số diện tích cây rau, lúa; diện tích rừng được cấp Chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC gần 40.000 ha, cao nhất cả nước.
Nâng tầm những thương hiệu “vàng”
Hàm Yên, diện tích cam sành của huyện tới nay đã đạt mốc 7.200 ha, tăng hơn 2.000 ha so với năm 2015. Thay vì phát triển đại trà, người trồng cam Hàm Yên đã chuyển hướng đi vào sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn nhất.
Ngoài sản phẩm cam, sản phẩm chè Tuyên Quang cũng chinh phục thị trường trong và ngoài nước bằng chất lượng. Theo đánh giá của Hiệp hội doanh nghiệp về “Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030” sản phẩm chè của Công ty cổ phần chè Mỹ Lâm và Công ty cổ phần chè Sông Lô đủ các tiêu chuẩn thực hiện, xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia. Ông Ngô Đức Tú, Giám đốc Công ty cổ phần chè Sông Lô khẳng định, ngoài các sản phẩm chè đen xuất khẩu, công ty có thêm sản phẩm chè đặc sản KIA-Tăng đang được bạn hàng trong và ngoài nước đánh giá rất cao.
Bà con xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) thu hoạch mùa vàng.
Nâng tầm nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, tổ chức gắn “sao” cho các sản phẩm. Toàn tỉnh 123 sản phẩm đã được đánh giá, xếp hạng OCOP và gắn “sao”. Một số sản phẩm nông sản tiêu biểu như: Cam Hàm Yên là một trong 50 trái cây ngon nhất Việt Nam; chè hữu cơ Shan Tuyết Hồng Thái, chè đặc sản Vĩnh Tân, cá lăng được bình chọn “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”; Chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản phẩm nông nghiệp xuất ra hàng năm đã và đang tăng cả về lượng và chất, đáp ứng yêu cầu cao nhất cho sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, với chủ trương trúng và đúng, các giải pháp phù hợp, bước đi vững chắc, sản xuất nông nghiệp hàng hóa tỉnh sẽ phát triển bền vững, nông nghiệp tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống cho dân cư nông thôn, xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển hiện đại, góp phần quan trọng để đảm bảo an ninh, quốc phòng, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Gửi phản hồi
In bài viết