Thăng trầm giữ giá
Trước năm 2000, cây cam sành tập trung chủ yếu tại huyện Hàm Yên với 2.013 ha, hết năm 2017 tăng lên 7.833 ha và hiện nay trên 8.600 ha, đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc, sau tỉnh Hòa Bình. Đề án phát triển vùng sản xuất cam sành của tỉnh giai đoạn 2014 - 2020 đề ra mục tiêu đến hết năm 2020, diện tích cam toàn tỉnh chỉ là trên 6.800 ha nhưng mới hết năm 2019 thì đã vượt quy hoạch. Cũng như cây cam, cây bưởi tăng vọt từ 1.500 ha năm 2017 lên 4.867 ha vào cuối năm 2020. Diện tích cây bưởi đứng thứ 2 khu vực miền núi phía Bắc chỉ sau tỉnh Bắc Giang, trong đó, bưởi đang cho thu hoạch 1.800 ha.
Sau một thời gian tăng trưởng nóng về diện tích, thì khoảng 2 năm trở lại đây, diện tích cây ăn quả có múi bắt đầu có dấu hiệu chững lại. Một phần do diện tích canh tác đã hết, một phần là câu chuyện giá cả.
Cam sành Hàm Yên là một ví dụ. Liên tục từ năm 2018 đến vụ cam 2020 - 2021, cam sành Hàm Yên mất giá. Đến vụ thu hoạch rộ cam không tiêu thụ được, cộng thêm ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến khó khăn lại càng khó khăn. Trồng, chăm sóc, thu hoạch cam khiến nhiều nhà vườn thua lỗ, bởi thế vụ cam năm nay không ít nhà vườn bỏ mặc vườn cam tự sinh trưởng phát triển, đã có đến vài trăm ha đã bị sâu bệnh phải phá bỏ.
Vườn bưởi của gia đình ông Nguyễn Duy Lý (bên phải ảnh), thôn 20, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang).
Thôn Cao Đường, xã Yên Thuận có khí hậu khác biệt hẳn so với các thôn khác của xã. Nhiệt độ khu vực này tương đối thấp do nằm ở độ cao gần 1.200 mét so với mực nước biển nên chỉ phù hợp với cây trồng phù hợp với khí hậu lạnh. Mặc dù đã khuyến cáo, nhưng nhiều người dân ở đây vẫn đưa cây cam vào trồng. Tuy nhiên, theo Trưởng thôn, Bí thư chi bộ Dương Minh Toàn, vì không phù hợp nên cây cam không phát triển, chất lượng quả cũng không ngon như những vùng khác. Sau 1 vài năm, giờ bà con gần như bỏ không chăm sóc nữa.
Yên Thuận hiện còn 650 ha cam, giảm gần 50 ha so với năm trước. Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Đức Lời cho biết, trong 2 năm trở lại đây, diện tích cam trên địa bàn xã bắt đầu có xu hướng giảm, một phần do cây già cỗi, một phần do giá thu mua cam xuống thấp, người dân không đủ lực để chăm sóc.
Phù Lưu, “vựa cam” của huyện hiện chỉ còn hơn 1.000 ha cam, giảm 1 nửa so với vụ cam năm ngoái. Sản lượng cam năm nay đạt khoảng gần 22.000 tấn, bằng 1/2 sản lượng của vụ cam 2020 - 2021. Nguyên nhân cam của xã năm nay giảm cả diện tích và sản lượng so với những năm trước đó là nhiều diện tích bị già cỗi, sâu bệnh hại cộng với việc nhiều nhà vườn bỏ mặc không chăm sóc nên năng suất và chất lượng quả không cao. Nếu những vụ trước cam chỉ 3 đến 4 quả/kg, vụ này nhiều vườn cam phải 6 đến 7 quả/kg.
Vùng bưởi Soi Hà nổi tiếng của Yên Sơn năm nay cũng gặp khó về giá và năng suất. Giá bán giảm, năm nay người trồng bưởi lại đối mặt với mất mùa. Mấy năm trở lại đây, người dân đã chủ động được việc thụ phấn nhân tạo, kỹ thuật chăm sóc để chủ động việc cho cây đậu quả, nhưng đầu vụ mưa axit kéo dài, bưởi non bị thối rụng số lượng lớn. Bởi vậy, so với năm ngoái những cây bưởi đã cho thu hoạch năm nay năng suất chỉ bằng một nửa hoặc một phần ba.
Chú trọng chất lượng
Kế hoạch 162/KH-UBND của UBND tỉnh về thực hiện việc đột phá, đổi mới giai đoạn 2021 - 2025 lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã yêu cầu, ngành nông nghiệp trong giai đoạn này phải mở rộng diện tích theo các tiêu chuẩn nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất hàng hóa chất lượng cao của thị trường, diện tích cây trồng chủ lực sản xuất theo tiêu chuẩn, quy chuẩn là trên 6.696 ha. Trong đó, riêng cây cam là 2.100 ha, cây bưởi là 2.096 ha.
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, hiện đơn vị đang phối hợp với các địa phương rà soát lại toàn bộ diện tích cây trồng chủ lực, trong đó có cây ăn quả có múi để có lộ trình thực hiện cho từng năm. Theo đó, vùng cây ăn quả có múi nổi tiếng tại Hàm Yên, Chiêm Hóa, Yên Sơn cơ bản đã rà soát, xây dựng được lộ trình thực hiện. Riêng trong năm 2022, 3 địa phương này sẽ có 1.380 ha cam, 350 ha bưởi chăm sóc theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, chủ yếu theo hướng VietGAP, hữu cơ.
Người dân thôn Khau Làng, xã Yên Thuận (Hàm Yên) phân loại cam.
Ông Hoàng Biên, Trưởng nhóm trồng cam hữu cơ Đồng Ca, xã Nhân Mục (Hàm Yên) cho biết, cùng với các nhóm sản xuất hữu cơ Cây Cóc, Thuốc Thượng, Đồng Bàng, nhóm cam hữu cơ Đồng Ca hiện đang duy trì 4 ha cam hữu cơ. Năm nay, giá bán cam hữu cơ tại vườn đạt 25 nghìn đồng/kg. Hơn 20 năm trồng cam, giờ ông Biên mới thực sự cảm nhận được hương vị của mùa cam chín ngay tại vườn. Ông bảo, những năm trước chăm sóc theo kiểu truyền thống, cảm giác sức khỏe mình đi xuống nhiều. Giờ làm theo tiêu chuẩn hữu cơ, sức khỏe người trồng cam được nâng lên, sản lượng cam giảm đi nhưng chất lượng lại thơm ngon hơn, giá bán được tốt hơn.
Giám đốc Hợp tác xã trái cây hữu cơ xã Phúc Ninh (Yên Sơn) Tạ Văn Quang cho biết, sản lượng giảm, dịch bệnh gây khó khăn cho đầu ra, nhưng những người trồng bưởi theo tiêu chuẩn hữu cơ ở Phúc Ninh không mất giá. So với mức giá thu mua bưởi sản xuất theo kiểu truyền thống, thì bưởi hữu cơ ở Phúc Ninh và nhiều địa phương khác của Yên Sơn vẫn đạt 10 - 12 nghìn đồng/quả, gấp đôi so với bưởi loại thường. Một số loại “đặc sản hơn cả đặc sản”, như bưởi da xanh, vẫn được giá 25 nghìn đồng đến 30 nghìn đồng/quả.
Sau Hợp tác xã trái cây hữu cơ, năm 2021, Phúc Ninh thành lập một tổ hợp tác sản xuất bưởi VietGAP, với 10 thành viên, diện tích trên 15 ha. Tổ trưởng tổ hợp tác Nguyễn Tiến Hoàn cho biết, việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ là tiền đề để chuyển đổi sang tiêu chuẩn hữu cơ.
Không chỉ tập trung mở rộng diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, xu thế đẩy mạnh cải tạo, đa dạng giống cũng đang được các địa phương tập trung thực hiện. Trong đó, đối với cây bưởi, giảm diện tích bưởi Diễn và tăng diện tích bưởi đường, Cát Quế, da xanh. Đối với cây cam, giảm diện tích cam sành và tăng diện tích cam Vinh, cam Đường Canh…
Ngoài 2 loại cây trồng chính là cam, bưởi, hiện nhiều địa phương đang chuyển đổi diện tích đất ruộng kém hiệu quả, đất vườn… để đưa chanh tứ thì vào trồng. Tuy nhiên, theo Trưởng phòng Kỹ thuật Trần Ngọc Thanh, ngành nông nghiệp không khuyến khích việc chuyển đổi này.
Trong số 3 sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý thì đã có mặt 2 sản phẩm cây ăn quả có múi là Cam sành Hàm Yên và Bưởi Soi Hà. Đây được xem là cơ hội để sản phẩm cây ăn quả có múi của Tuyên Quang chinh phục thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để làm được điều này thì bài toán ổn định vùng nguyên liệu, tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng và giữ vững thương hiệu cần được các địa phương giải quyết tốt, để những trái ngọt không biến thành “trái đắng” và người nông dân không loay hoay tìm đầu ra mỗi vụ thu hoạch.
Gửi phản hồi
In bài viết