Hồ Ngòi Là (Yên Sơn) đang được giao cho Ban Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh quản lý.
Ao hồ có vai trò vô cùng quan trọng trong sản xuất, đời sống đối với cả nông thôn và đô thị. Ở đô thị ao, hồ được ví như chiếc máy điều hòa làm mát không khí, giữ chức năng trong việc chống úng ngập cục bộ, giúp phát triển cây xanh, thảm cỏ, bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên ở đô thị. Tại nông thôn, ao, hồ cung cấp nước tưới cho sản xuất, sinh hoạt... Tuy nhiên, hiện nay do sức ép của quá trình phát triển kinh tế, đô thị, ý thức bảo vệ môi trường của bộ phận người dân chưa cao dẫn đến tình trạng nhiều hồ ao bị xâm lấn, san lấp, ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng. Chưa có báo cáo chính thức của ngành chuyên môn, song có thể thấy diện tích ao, hồ đang bị giảm đi đáng kể.
Năm 2021, gia đình ông Hà Công Đỗ, thôn Pá Tao, xã Hòa An (Chiêm Hóa) đã tự ý đắp 1 phần đầu nguồn của hồ Păng Mo - 1 trong những hồ lớn nhất tích trữ nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của nhiều hộ dân trên địa bàn. Ông Ma Hải Hóa, Trưởng Ban quản lý công trình thủy lợi xã Hòa An cho biết, ngay khi phát hiện sự việc, ban đã báo cáo với Ban Quản lý, khai thác công trình thủy lợi tỉnh lập biên bản, xử lý yêu cầu hộ gia đình khẩn trương phá dỡ trả lại hiện trạng ban đầu cho hồ. Hiện tại hồ Păng Mo đã được trả lại nguyên trạng.
Nhiều năm trước đây, hồ Gò Sở, thuộc phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cũng trở thành bãi rác của một số hộ dân sống quanh khu vực. Trước thực trạng đổ rác thải, phế thải lấn chiếm khu vực hồ, năm 2019 tỉnh đầu tư vốn để kè và xây lại toàn bộ phần đập của công trình, đồng thời tăng cường các giải pháp quản lý, bảo vệ mới chấm dứt được tình trạng xả thải rác xuống hồ.
Bảo vệ các ao, hồ, UBND tỉnh yêu cầu, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố, thông báo đến các sở, cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố về danh mục hồ, ao không được san lấp; hướng dẫn, đôn đốc, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố hàng năm rà soát, thống kê, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh, bổ sung danh mục hồ, ao, đầm không được san lấp.
Huyện Sơn Dương với 195 ao, hồ nằm trong danh mục cấm san, lấp. UBND huyện đã yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường, các xã, thị trấn lên phương án để bảo vệ. Ông Nguyễn Văn Lợi, Chủ tịch UBND xã Thiện Kế cho biết, hồ Tân Dân với diện tích mặt nước trên 10 ha, nằm trong danh mục ao, hồ không được san lấp theo quyết định của tỉnh. Hiện nay, hồ đang cung cấp nước sản xuất, sinh hoạt cho người dân 2 xã Hợp Hòa và Thiện Kế. Bảo vệ công trình, xã đã yêu cầu Ban Quản lý công trình thủy lợi tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các hành vi xâm lấn; khai thác nước, xả nước thải vào hồ; báo cáo cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Bà Đặng Thị Xuân, chuyên viên Phòng Môi trường, Nước, Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, với biện pháp mạnh của UBND tỉnh, ngành chức năng, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức gìn giữ, bảo vệ ao, hồ.
Gửi phản hồi
In bài viết