Ô tô Trung Quốc phủ sóng chuỗi kinh doanh tại thị trường Việt Nam

Thông qua những mục tiêu cụ thể về doanh số và hệ thống kinh doanh, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tiếp tục tỏ rõ mong muốn giành chỗ đứng trên thị trường Việt Nam.

Với mức giá khá cạnh tranh, ba mẫu xe điện đầu tay của BYD ở Việt Nam có “điểm yếu” là độ phủ trạm sạc. Ảnh: Hoàng Linh

Ngày 18-7 đánh dấu BYD trở thành cái tên mới nhất từ Trung Quốc hiện diện chính thức tại Việt Nam, với ba tiên phong là xe điện chạy pin (BEV), gồm hatchback gầm cao Dolphin (giá từ 659 triệu đồng cho bản GLX), crossover ATTO 3 (766 triệu đồng cho bản Dynamic và 886 triệu đồng cho bản Premium) và sedan Seal (giá từ 1,119 tỷ đồng cho bản Advanced và 1,359 tỷ đồng cho bản Performance). Mức giá (đã kèm pin) như vậy được giới chuyên môn cho là rất cạnh tranh so với mặt bằng chung.

Cùng với MG, Lynk&Co, Wuling, Haval (GWM), Haima, sự góp mặt của BYD nâng tổng số hãng xe Trung Quốc bán tại Việt Nam lên 6 sản phẩm. Ngay trong năm nay, Chery với hai thương hiệu Jaecoo và OMODA, GAC với thương hiệu AION… cũng sẽ mở bán sản phẩm. Nếu các kế hoạch này diễn tiến thuận lợi, cuối năm 2024 sẽ là thời điểm số lượng hãng xe Trung Quốc ở nước ta vượt qua Nhật Bản, lên vị trí đầu.

Lúc này, các nhà sản xuất Trung Quốc cũng muốn nhanh chóng phủ sóng chuỗi kinh doanh tại Việt Nam. Ngay trong tháng 7-2024 sẽ có khoảng 10 phòng trưng bày của BYD được vận hành trên khắp Việt Nam, trong đó có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh… Trong 3 năm tới, BYD cũng đặt ra mục tiêu 100 đại lý trên toàn quốc, tương đồng với nhiều thương hiệu Trung Quốc khác.

Chery (bao gồm cả Jaecoo và OMODA) có lộ trình đưa ít nhất 20 đại lý đạt chuẩn 3S toàn cầu của hai thương hiệu này đi vào hoạt động ngay trong năm nay, hướng tới mốc 100 đại lý trong năm 2028. Trong khi đó, Lynk&Co, tận dụng lợi thế hệ thống từ ông lớn trong ngành kinh doanh ô tô Việt Nam là Tasco, ngoài hai trung tâm đã đi vào hoạt động tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng hướng tới mốc hơn 80 đại lý tại Việt Nam.

Có thể thấy, mục tiêu số lượng đại lý mà các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đặt ra là tương đối lớn so với mặt bằng chung. Để dễ so sánh, hiện nay KIA và Mazda (đều thuộc THACO) mỗi thương hiệu duy trì hơn 100 đại lý, Hyundai và VinFast vận hành khoảng gần 90 đại lý, Toyota có khoảng 86 đại lý, trong khi Honda (ô tô) có gần 60 đại lý.

Về doanh số, MG tỏ ra tham vọng nhất lúc này, với mục tiêu 25.000 xe bán ra từ nay tới năm 2025, hướng đến mốc 100.000 xe/năm tại Việt Nam, lọt vào nhóm 3 hãng ô tô có doanh số cao nhất thị trường.

Trong một cuộc họp hồi tháng trước, Chery cũng nêu mục tiêu doanh số cho OMODA và Jaecoo khoảng 10% thị phần thị trường ô tô Việt Nam vào năm 2028. Ngưỡng thị phần đặt ra cho giai đoạn trước mắt đến năm 2027 là 3%-6%, đồng nghĩa với doanh số gần 40.000 xe mỗi năm. Mức này tương đương với lượng xe bán ra hằng năm của Mazda, Ford, Mitsubishi…

Để đáp ứng mục tiêu kinh doanh, các hãng ô tô Trung Quốc lúc này đều ít nhiều bày tỏ ý định xây dựng hạ tầng sản xuất tại chỗ. Tuy nhiên, ngoại trừ TMT Motors (Wuling) tận dụng nhà máy sẵn có, các dự án còn lại vẫn đang nằm trên giấy.

Trao đổi với báo chí ngày 18-7, đại diện BYD Việt Nam và lãnh đạo khu vực châu Á - Thái Bình Dương của hãng cũng cho biết, BYD khẳng định có mong muốn triển khai dự án này, nhưng lộ trình còn phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của thị trường.

Về phần mình, OMODA và Jaecoo hiện đã ký hợp tác với Geleximco về một nhà máy tại Thái Bình, với lộ trình chia làm ba giai đoạn, tổng vốn đầu tư 800 triệu USD và công suất 200.000 xe/năm, dự kiến hoàn thành quý I-2026. Hồi tháng 6, lãnh đạo SAIC Motor Việt Nam (sở hữu MG) cũng úp mở về khả năng xây dựng nhà máy tại chỗ, trong đó cho biết đã thành lập đội ngũ có nhiệm vụ nghiên cứu về ý tưởng này.

Rõ ràng, ô tô Trung Quốc được phân phối chính hãng sẽ củng cố niềm tin cho người dùng yên tâm khi lựa chọn, nhờ các khâu bảo dưỡng, chăm sóc được đảm bảo. Đây sẽ là một thách thức lớn không chỉ với “ông lớn” ô tô Nhật Bản và Hàn Quốc, mà cả với những cái tên mới nổi, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận còn những làn "gió ngược", khi thực tế thị hiếu tiêu dùng Việt Nam chưa hoàn toàn cởi mở với xe Trung Quốc. Mặt khác, trong bối cảnh tình hình kinh tế còn nhiều bất ổn, người tiêu dùng có xu hướng chi tiêu thận trọng, trong đó ưu tiên các sản phẩm đã khẳng định được vị thế và chất lượng qua thời gian.

Theo Hanoimoi

Tin cùng chuyên mục