Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh ĐĂNG KHOA)
Tại nghị trường, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến việc thực hiện Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Phát huy thành quả, sẵn sàng vượt qua khó khăn
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 và dự kiến kế hoạch, giải pháp năm 2023, các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; đồng tình cho rằng: Các báo cáo đã thể hiện rõ nét 12 thành quả nổi bật, thẳng thắn chỉ ra 10 hạn chế, khó khăn, sáu bài học kinh nghiệm, 11 nhiệm vụ, giải pháp cho những tháng cuối năm 2022 và 12 giải pháp thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Các đại biểu cũng ghi nhận, đánh giá cao những điểm sáng về tăng trưởng kinh tế, kiểm soát lạm phát, công tác giảm nghèo, bảo đảm an ninh-quốc phòng, chiến lược đột phá về hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính, đời sống người dân, an sinh xã hội được bảo đảm… nhờ sự quyết liệt, tầm nhìn của Quốc hội, sự nỗ lực của Chính phủ.
Tuy nhiên, không ít đại biểu bày tỏ băn khoăn về những chậm trễ trong việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thời gian qua. Các đại biểu Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh), Nguyễn Hữu Thông (Bình Thuận) và một số đại biểu nêu rõ các “mắt xích” còn yếu như thủ tục rườm rà; giải ngân đầu tư công chậm, giải ngân vốn ODA tỷ lệ quá thấp; kỷ luật, kỷ cương giải ngân chưa được bảo đảm; ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai sớm nhưng chính sách ban hành, phân bổ vốn lại chậm; tiền lương chậm được điều chỉnh, khiến cán bộ, công chức nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư…
Đáng chú ý, mặc dù Nhà nước đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, nhưng một bộ phận người dân, nhất là nông dân, ngư dân vốn khó khăn trong đại dịch, nay vẫn chưa thể thoát nghèo vì giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, thị trường nông sản bất ổn, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn nhiều thách thức, cơ cấu một số tổ chức tín dụng còn yếu kém, còn có cán bộ, công chức vi phạm bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự.
Đề cập những khó khăn, thử thách mà nền kinh tế đang phải đối mặt, một số đại biểu cho rằng, năm 2023, Chính phủ và các bộ, ngành cần chủ động chuẩn bị các kịch bản chi tiết để ứng phó với tình trạng lạm phát gia tăng trên phạm vi toàn cầu. Theo đó, cần linh hoạt, kịp thời công khai thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị phương án sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn gắn với những ưu đãi theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội. Đồng thời, nhanh chóng hoàn thiện công tác sửa đổi Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Giá và một số luật liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển đi đôi với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách bộ máy, nâng cao tính sáng tạo, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước.
Các đại biểu đề nghị, trong năm 2023 tới đây, cần phát huy và làm tốt hơn nữa vai trò của kinh tế đối ngoại nhằm giữ vững sự phát triển ổn định của kinh tế trong nước; bám sát thực tế để chủ động thích ứng linh hoạt để bảo đảm nền kinh tế độc lập tự chủ trong giai đoạn hội nhập; tập trung khai thác các hiệp định thương mại, quan tâm hơn đến vấn đề xuất nhập khẩu.
Giải quyết tình trạng nghỉ việc ở khu vực công
Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm là tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển việc hàng loạt thời gian qua. Dẫn số liệu cho thấy đã có gần 40 nghìn trường hợp nghỉ việc, chuyển việc, nhất là trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đã đề xuất một số giải pháp cụ thể là: Thực hiện mạnh mẽ cải cách lề lối làm việc, phân cấp mạch lạc theo thứ bậc hành chính, đưa ra hướng xử lý phù hợp các vấn đề về tổ chức bộ máy và biên chế; bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong môi trường công bằng, minh bạch về cơ hội cống hiến, thăng tiến.
Song song với đó, cần hoàn thiện hệ thống thi tuyển công chức, viên chức và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức, viên chức, lãnh đạo quản lý; quan tâm đúng mức đến thu nhập của người lao động bằng cơ chế lương thích hợp, linh hoạt trên cơ sở giá trị lao động, tri thức, trách nhiệm, hiệu quả công việc; tăng cường bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Quảng Bình) nêu vấn đề: Trong lúc ngành giáo dục hiện vẫn gặp khó khi thiếu tới gần 95 nghìn giáo viên phổ thông, mầm non, thì việc nhiều người lao động bỏ khu vực công sau đại dịch Covid-19 đã đặt ra hàng loạt yêu cầu đáng lo ngại. Đáng chú ý, một số chính sách lớn, văn bản quan trọng như Chiến lược giáo dục giai đoạn 2021-2030 đến nay vẫn chưa được ban hành, việc triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn nhiều bất cập. Đó là chưa kể tới tình trạng “thiếu đủ thứ”, từ thiếu nguồn lực thực hiện đến thiếu trường, phòng học bộ môn, trang thiết bị dạy học; ngân sách nhà nước chi cho hoạt động giáo dục còn thấp, nhiều nơi chỉ đạt hơn 10%; chỉ tiêu giáo viên đã tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế...
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường. (Ảnh NGUYỄN ĐĂNG)
Đẩy nhanh tiến trình cải cách tiền lương
Trước những bất cập nêu trên, một số đại biểu đã bày tỏ băn khoăn trước các tác động từ việc lương cơ sở sắp được tăng thời gian tới. Từ câu hỏi thẳng thắn của đại biểu Nguyễn Huy Thái (Bạc Liêu) về việc liệu tăng lương cơ sở có giữ chân được người lao động trong khu vực công hay không, nhiều đại biểu cho rằng: Đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng không phải giải pháp tối ưu. Chính phủ cần sớm thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Có đại biểu kiến nghị, đến năm 2023, nếu kinh tế-xã hội phát triển tốt, tăng trưởng kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững, không bị tác động bởi các yếu tố khách quan như các năm vừa qua, thì có thể tính tới phương án triển khai chính sách cải cách tiền lương. Bởi mức tăng lương cơ sở theo phương án Chính phủ vừa đề xuất với Quốc hội dù rất ý nghĩa ở thời điểm hiện tại, nhưng về thực chất chưa đủ để xóa bỏ chênh lệch mức lương giữa hai khu vực công và tư, Nhà nước và thị trường.
Liên quan đến vấn đề này, một số đại biểu lập luận: Khi thị trường lao động phát triển, giữa hai khu vực công và tư sẽ có sự liên thông, tương tác và cạnh tranh để cùng phát triển. Sự điều tiết của thị trường lao động sẽ trở thành đòn bẩy mạnh mẽ, thúc đẩy cạnh tranh giữ chân người tài, có năng lực, tâm huyết ở khu vực công thông qua chính sách tiền lương phù hợp. Theo đó, lương phải đủ sống thì cán bộ, công chức, viên chức và người lao động mới yên tâm làm việc theo đúng giá trị.
Cùng với đó, cần đặc biệt chú trọng khắc phục tình trạng “lương chưa tăng thì giá cả đã nhanh chân mà chạy trước”. Bởi một trong những quyền lợi thiết yếu mà người lao động quan tâm nhất chính là câu chuyện tiền lương và giá cả. Tăng lương cơ sở và thực hiện cải cách tiền lương chỉ thật sự mang lại giá trị tích cực cho người lao động khi Chính phủ thực hiện thành công các giải pháp bình ổn giá cả thị trường.
Cũng tại phiên làm việc, các thành viên Chính phủ đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Hiện nay, nhiều cán bộ, công chức còn đùn đẩy, né việc, sợ không dám thực hiện nhiệm vụ… gây ảnh hưởng lớn đến triển khai công tác phục vụ nhân dân. Tình trạng này không thể chỉ nói là do vướng mắc trong triển khai chính sách, pháp luật, mà thực tế qua nghiên cứu cho thấy còn nguyên nhân xuất phát từ con người, công đoạn tổ chức thực hiện và trách nhiệm người đứng đầu.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam)
Mỗi ngày, tại Bệnh viện Bạch Mai, các y, bác sĩ phải chịu áp lực rất lớn khi chăm sóc cho 9 nghìn người bệnh vãng lai và 4 nghìn người bệnh nội trú. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở các trạm y tế xã, phường do nhân lực mỏng, nhưng lại phải bảo đảm quá nhiều trách nhiệm như đi lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, quản lý F0, tiêm chủng… Vậy, phải chăng việc hàng loạt nhân viên y tế xin nghỉ việc còn có nguyên nhân nào khác bên cạnh yếu tố thu nhập?
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn)
Nền kinh tế đất nước ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ, trong đó, giải ngân vốn đầu tư công chậm, việc giải ngân vốn ODA đạt tỷ lệ quá thấp. Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai từ sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế-xã hội cũng chậm. Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng. Lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của nhân dân.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (Hà Nam)
Do hiệu quả sản xuất thấp, thậm chí là lỗ cho nên đời sống của người dân gắn với sản xuất nông nghiệp bấp bênh, gặp nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ cần có chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tạo các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, nghiên cứu và phát triển sản xuất các sản phẩm, vật tư phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Qua đó tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng cạnh tranh về giá, góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất và tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm để từ đó tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau)
Gửi phản hồi
In bài viết