Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Đề xuất tăng lương vào năm 2023 là hợp lý
Sau lần tăng lương cơ sở gần nhất vào ngày 1/7/2019, tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV lần này, Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức từ mức 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, tăng khoảng 20,8%. Nếu phương án của Chính phủ được thông qua, dự kiến mức lương mới sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2023.
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng việc tăng lương ở thời điểm này là điều rất đáng trân trọng.
“Tôi rất trân trọng và kỳ vọng về việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2023. Đề xuất này dựa trên tính toán hết sức chi li của Chính phủ cũng như có sự tham mưu của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: THỦY NGUYÊN
Theo đại biểu, công chức, viên chức khi nghe tin tăng lương sẽ rất yên tâm vui mừng, dù mức tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng không nhiều nhưng cũng là một phần rất nhân văn, giúp ổn định tinh thần, tư tưởng làm việc của công chức, viên chức, đặc biệt trong ngành giáo dục, y tế và nhóm người hưởng lương thấp.
Nêu thực trạng thời gian qua, có một bộ phận không nhỏ công chức, viên chức nghỉ việc, đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho rằng lý do cũng xuất phát từ vấn đề tiền lương, khiến họ rời khu vực công để ra khu vực tư làm việc, nhằm tìm kiếm khả năng có thu nhập cao hơn.
“Công chức, viên chức mới vào nghề chỉ được nhận mức lương với hệ số 2,35, phụ cấp thêm 25%, lĩnh lương 3-4 triệu đồng/tháng, trong khi giá cả thị trường tăng cao, nếu không tăng lương sẽ rất khó khăn với những người lao động hưởng lương nhà nước”, đại biểu Phạm Văn Hòa phân tích.
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cũng cho rằng, việc tăng lương cơ sở vào thời điểm này rất hợp lý.
Theo đại biểu, sau đại dịch Covid-19, cuộc sống của đại đa số nhân dân bị ảnh hưởng rất nhiều theo hướng tiêu cực. Trong đó có nhiều cán bộ, công chức, viên chức khi đại dịch xảy ra đã chịu ảnh hưởng nhiều về kinh tế, vừa chịu áp lực công việc.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội.
Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, việc cải cách tiền lương trong thời điểm này là vô cùng ý nghĩa. Tuy nhiên, về mức tăng tiền lương theo đề xuất của Chính phủ, đại biểu nhấn mạnh mức tăng 20,8% mới chỉ mang tính chất tạm thời, “động viên tinh thần” là chính.
“Đối với đội ngũ cán bộ, công chức khi mà theo thang bảng lương hiện thời với 20% tăng thêm thì số tiền được tăng thêm với 1 cán bộ, công chức trong vòng 1 tháng thì mức lương mới vẫn rất thấp so với nhu cầu cuộc sống hiện tại”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.
Để cán bộ, công chức sống được bằng lương
Đề cập giải pháp lâu dài để cán bộ, công chức có thể yên tâm sống bằng lương hưởng ngân sách, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, muốn cải cách tiền lương phải có nguồn lực đủ mạnh, và để có nguồn lực đủ mạnh phải song hành với các giải pháp phát triển kinh tế.
“Hiện nay, Chính phủ đang nỗ lực cải cách tiền lương đi đôi với việc sắp xếp lại các đơn vị và tinh giản biên chế. Với 1 bộ máy cồng kềnh thì tôi tin chắc rằng phần tiền lương chúng ta bỏ ra để nuôi 1 bộ máy cồng kềnh như vậy cũng rất là tốn kém”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho biết.
Theo đại biểu, việc tiếp tục cải cách hơn nữa tiền lương trong tương lai, hay áp dụng trả lương theo vị trí việc làm cũng giúp giải quyết phần nào rào cản đối với cán bộ, công chức có năng lực nhưng nhận được lương thấp.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) trao đổi bên hành lang Quốc hội. Ảnh: TRUNG HƯNG
Trong khi đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chính sách tiền lương cho cán bộ, công chức, viên chức hiện nay chưa tương xứng, mức thu nhập còn quá thấp.
“Thời gian qua, dù nhà nước đã tìm cách tăng thêm thu nhập, nhưng mức lương của công chức, viên chức vẫn thấp hơn mức sống trung bình. Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp, cơ bản dẫn đến tham nhũng”, đại biểu nhận định.
Do đó, để đạt được mục tiêu công chức, viên chức có thể sống được từ thu nhập chính thức, toàn tâm toàn ý lo công vụ, không cần "kiếm thêm chỗ này chỗ kia" thì tăng lương cơ bản là một trong những việc cần làm ngay, nhưng chưa đủ.
“Hơn hết, cả hệ thống chính trị, Chính phủ phải tính toán thêm. Nếu tình trạng công chức, viên chức không sống được bằng thu nhập chính thức kéo dài sẽ có nhiều hệ lụy, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Do đó, đại biểu khẳng định, chừng nào chưa đạt được mục đích cán bộ, công chức, viên chức đủ sống với mức sống trung bình của xã hội, thì chừng đó tình trạng công chức, viên chức bỏ việc ra khu vực tư vẫn xảy ra.
“Nếu việc dịch chuyển nguồn nhân lực giữa khu vực công và tư xuất phát từ nguyên nhân thu nhập thì nhà nước cần đặc biệt lưu tâm”, đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.
Gửi phản hồi
In bài viết