Tác phẩm “Được mùa” của họa sĩ Công Mỹ. |
Qua những lần triển lãm hay các cuộc gặp tại góc sáng tác của nhiều họa sĩ, tôi nghiệm ra một điều, phàm đã đam mê hội họa thì dường như có thời khắc ai cũng từng vẽ như lên đồng khi tìm được một chủ đề sáng tác. Như khi đứng trước những tác phẩm của cố họa sỹ Phạm Mạnh Đức ai cũng phải trầm trồ với sức lao động nghệ thuật của ông.
Tranh của ông có đặc trưng vẽ rất kiệm màu, đề tài giản dị, gần gũi, chủ yếu phản ánh đời sống sinh hoạt hàng ngày, phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số. Trong đó vẻ đẹp thiếu nữ, thiếu phụ vùng cao được tái hiện một cách sinh động, lôi cuốn. Đó là hình ảnh bên chiếc đèn dầu, người mẹ Pà Thẻn và hai đứa con nhỏ cần mẫn vẽ những đường nét hoa văn lên tấm vải thổ cẩm trong tác phẩm “Vẽ hoa văn”; hình ảnh hai thiếu nữ Lô Lô chăm chút thêu thùa trong khung cảnh bao la nơi triền hoa tam giác mạch; bên mái nhà trình tường thiếu phụ người Mông ôm đứa con nhỏ đón chồng trở về sau ngày làm việc vất vả.
Vẻ đẹp người phụ nữ dân tộc thiểu số được tái hiện thật riêng biệt qua cách vẽ mềm mại, đầy trữ tình, giàu nhạc điệu miền núi trong tranh Nguyễn Công Mỹ. Tất cả đường nét, màu sắc, mảng miếng trong mỗi tác phẩm của ông đều giàu chất trang trí mà vẫn xao xuyến hơi thở của cuộc sống. Cũng là một người vững vàng về hình họa nhưng ông ưa chuộng diễn hình bằng đường nét trữ tình, uyển chuyển như trang trí của dân tộc. Ông không định tả mà chú trọng vào gợi tả; cái thần tình là có khi chỉ vài đường nét cũng làm bừng lên cái tình miền núi và dân tộc. Đến với “Đi hội”, ta bắt gặp hình ảnh cô thiếu nữ Dao đỏ xinh tươi, mơ màng bên gốc mận trắng xóa, khuôn mặt thanh tú, e ấp đợi chờ người thương. Đến với tác phẩm “Cô gái Tày” ta bắt gặp cô thiếu nữ Tày nền nã, duyên dáng với cây đàn tính được khắc họa riêng biệt trong khung cảnh mùa xuân rực rỡ màu hoa. Và ta bắt gặp hình ảnh đầy sức sống của những cô gái miền núi trong năm tháng thanh xuân của tuổi trẻ trong tác phẩm “Ngày xuân đi hội”.
Hòa trong nguồn cảm hứng mãnh liệt đi tìm hình ảnh xuân thì của thiếu nữ vùng cao, sự dịu dàng, tảo tần của người bà, người mẹ Dao, Tày, Mông… họa sỹ Mai Hùng hòa vào cuộc sống sinh hoạt miền núi để cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp. Phụ nữ và “lụa” luôn có mối lương duyên đặc biệt. Đó là tính chất tương quan của sự mềm mại, uyển chuyển, dịu dàng… Họa sỹ Mai Hùng đã biết cách kết hợp một cách tinh tế, đầy tính nghệ thuật. Chính vì thế tranh của họa sỹ Mai Hùng mang một đặc trưng riêng khó lẫn. Công chúng yêu hội họa ấn tượng với tác phẩm “Nguồn nước mới” với bố cục độc đáo với sự tổng hòa trong đường nét, hình khối, đậm nhạt, màu sắc… Những người phụ nữ Dao Tiền với niềm vui khi cùng nhau đón nguồn nước mới. Người khom lưng múc nước vào thùng, người giặt giũ, người phơi váy áo… Gương mặt hân hoan, hạnh phúc trước sự đổi thay của quê hương.
Phái đẹp bước ra từ mỗi tác phẩm trong tranh của những họa sỹ nam đều có vẻ đẹp thầm kín, khi vẽ các tác giả thường đặt nhân vật đi kèm với dụng cụ sinh hoạt văn hóa gần gũi như cọn nước, thác nước, đàn tính, bàn thêu... Mỗi nhân vật trong đó đều có khuôn mặt trong trẻo, tự nhiên đậm chất miền núi. Có lúc, người ta bắt gặp người phụ nữ có ánh mắt buồn với đôi vai gầy và vóc người mảnh mai, nhưng rất đỗi dịu dàng; có lúc gặp người phụ nữ mập mạp, đôi chân chắc nịch... Tất cả đều phản ánh trọn vẹn vẻ đẹp người phụ nữ miền núi.
Phái đẹp luôn là đề tài được các họa sĩ hướng tới. Từ xưa, những bức tranh vẽ người phụ nữ, thiếu nữ với nét thanh tân đã làm say lòng công chúng yêu hội họa. Ngày nay, các họa sĩ xứ Tuyên vẫn không ngừng sáng tạo, với lối biểu hiện mới, cách nghĩ và cách cảm mới, song vẫn cho thấy sự phong phú của đề tài về vẻ đẹp phụ nữ.
Gửi phản hồi
In bài viết