Bức tranh văn hóa đầy màu sắc
Có lẽ chúng ta không cần phải đi đâu xa mới tìm được khung cảnh bình yên đẹp đến nao lòng, Lâm Bình sẽ mang đến những trải nghiệm tuyệt vời về thị giác và cảm xúc chắc chắn bạn sẽ không thể nào quên. Bởi đó là mảnh đất được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh đẹp. Danh thắng Quốc gia được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn giữa đại ngàn”; Cọc Vài trên hồ sinh thái như “thỏi nam châm” kỳ diệu của đất trời sơn cước. Mỗi ngọn núi, dòng sông, con suối, đình, đền đều có sự tích, truyền kể, giai thoại hấp dẫn, được lưu truyền qua nhiều thế hệ còn mãi đến ngày nay.
Có thể thấy rằng mảnh đất này được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái đa dạng với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Đặc biệt diện tích mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang rộng 8.000 ha, với nhiều thắng cảnh như: Cọc Vài, thác Nặm Me, động Song Long, thác Khuổi Súng... Ngoài ra còn có đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm là những điểm du lịch văn hóa tâm linh.
Người dân tộc Tày huyện Lâm Bình tham gia đánh yến tại Lễ hội Lồng tông,
Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình.
Lâm Bình được ví như bức tranh đầy màu sắc với sự đa dạng văn hóa của 13 dân tộc sinh sống đan xen. Nhiều phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc tạo cho Lâm Bình nét đẹp riêng có. Người Tày Lâm Bình đến nay vẫn gìn giữ và phát huy được nét văn hóa đặc trưng. Đó là làn điệu Then, tiếng nói, trang phục, nghề dệt vải...Lễ hội Lồng tông là lễ hội truyền thống của người Tày được tổ chức hằng năm với khát vọng của người dân trong sự hòa hợp trời đất, âm dương, cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.
Những năm qua người Pà Thẻn của huyện Lâm Bình luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đến thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn các cô gái Pà Thẻn trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Dân tộc Pà Thẻn nơi đây còn có Lễ hội Nhảy lửa hết sức thiêng liêng, độc đáo và huyền bí.
Huyện Lâm Bình hiện có hơn 500 hộ đồng bào dân tộc Mông, chiếm 7,2% đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn. Hiện nay dân tộc Mông trên địa bàn huyện lưu giữ rất nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống như: Tục lệ đám cưới cổ truyền, các làn điệu dân ca; trang phục, lễ đặt tên trưởng thành, bài thuốc dân gian; làm khèn, sáo Mông, hát đối giao duyên, múa khèn, dệt vải, thêu... Các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian được tổ chức thi đấu, vui chơi thường xuyên như: đẩy gậy, kéo co, ném pao, đánh yến, đánh cù và múa khèn.
Ở Lâm Bình có nhiều ngành Dao như: Dao đỏ, Dao Tiền, Dao Quần trắng, Dao áo dài... Người Dao nơi đây luôn có ý thức gìn giữ trang phục, tiếng nói, chữ viết, sách cổ, tranh thờ... Lễ cấp sắc người Dao luôn được coi là một nghi lễ thiêng liêng, quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi một con người.
Đánh thức tiềm năng du lịch
Đầu năm 2016, Lâm Bình triển khai thí điểm mô hình du lịch cộng đồng homestay tại 4 điểm với 15 hộ tham gia. Để mô hình hoạt động hiệu quả, huyện đã thành lập tổ công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên phụ trách từng hộ dân. Vận động người dân giữ nguyên hiện trạng, cảnh quan, kiến trúc nhà truyền thống, thực hiện chỉnh trang nhà cửa, làm nhà vệ sinh… Đầu tư hạ tầng cơ sở; xây dựng bảng giá các dịch vụ homestay; thành lập website, các trang mạng xã hội để tuyên truyền quảng bá du lịch... Đến nay, Lâm Bình đã có 4 điểm, 30 cơ sở du lịch cộng đồng homestay phục vụ, mỗi điểm khoảng 100 khách.
Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn, xã Hồng Quang (Lâm Bình) gìn giữ nghề dệt truyền thống.
Cùng với sự phát triển du lịch homestay thì nhiều dịch vụ ra đời như: Ẩm thực, tham quan, trải nghiệm, mua sắm quà lưu niệm… Trong đó thưởng thức các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” do người dân bản địa biểu diễn đã thu hút du khách.
Hiện toàn huyện có 107 đội văn nghệ, 5 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính. Đặc biệt, ở một số thôn phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn như thôn Nặm Đíp (Lăng Can), Nà Tông, Nà Đông (Thượng Lâm), Nà Muông (Khuôn Hà)... có từ 2 - 3 đội văn nghệ với 7 - 15 thành viên thường xuyên luyện tập, biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Để gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa gắn phát triển du lịch, huyện đã duy trì và tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tạo điểm nhấn thu hút du khách đến trải nghiệm Lâm Bình. Đặc biệt tổ chức giải đua thuyền Kayak, lễ hội Lồng tông, lễ hội nhảy lửa xã Hồng Quang, ngày hội văn hóa dân tộc Mông, Dao, nghi lễ cấp sắc, hội thảo, liên kết vùng du lịch với các tỉnh lân cận...
Hiện nay, huyện đang từng bước hoàn thành kế hoạch phát triển du lịch như xây dựng làng văn hóa các dân tộc tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can; thôn Nà Đông, Nà Tông, xã Thượng Lâm; phục dựng, bảo tồn văn hóa truyền thống, nghi lễ, kiến trúc nhà ở của đồng bào dân tộc Pà Thẻn, tộc người Thủy; tập trung xây dựng quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện để làm cơ sở thu hút đầu tư và triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển du lịch trong giai đoạn tiếp theo. Với những định hướng, việc làm cụ thể, huyện Lâm Bình tiếp tục phấn đấu đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Mùa xuân mới lại về trên non cao Lâm Bình. Mùa xuân nay đặc biệt bởi dấu mốc cho một hành trình dài tròn 10 năm huyện mới thành lập. Những nỗ lực giữ gìn, bản sắc văn hóa từng bước được thực hiện hiệu quả, tạo đà cho phát triển du lịch, hình thành nên dáng vóc cho huyện lỵ mới vươn xa hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết