Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng phát biểu kết luận Hội nghị.
Đề án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh soạn thảo nhằm xây dựng thành công vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm, tạo điều kiện cho phát triển chăn nuôi bền vững, chăn nuôi theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn, có chứng nhận nguồn gốc sản phẩm, thu hút đầu tư chế biến sâu ngay tại địa phương.
Trong đó, phấn đấu xây dựng chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với một số bệnh trên địa bàn các huyện Hàm Yên, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang. Phấn đấu đến năm 2030, tại các địa phương triển khai Đề án, có tỷ trọng chăn nuôi tập trung, giá trị sản xuất chăn nuôi và tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu nông lâm nghiệp tăng từ 3-5% so với trước khi thực hiện Đề án.
Tại hội nghị phản biện, các đại biểu đã đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung sự cần thiết phải xây dựng đề án, cơ sở pháp lý xây dựng đề án; bổ sung tốc độ tăng đàn của từng loại vật nuôi để xác định được tình hình chăn nuôi của từng loại gia súc, gia cầm trên địa bàn; xem xét xây dựng 1 số chương trình, dự án, kế hoạch ưu tiên thực hiện đối với từng loại bệnh, từng vùng; bổ sung nhiệm vụ cụ thể của một số sở, ngành để rõ trách nhiệm, phần việc.
Đồng thời, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh phải bắt đầu từ việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh tại các địa phương; việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh phải gắn chặt chẽ với Quy hoạch tỉnh, làm căn cứ phát triển lâu dài...
Đại diện Hội làm vườn tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị phản biện.
Tại hội nghị, Sở Nông nghiệp và PTNT – cơ quan soạn thảo đề án đã tiếp thu các ý kiến phản biện của các đại biểu, đồng thời làm rõ một số vấn đề thuộc trách nhiệm.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Hưng Vượng nhấn mạnh, đây là một trong những hội nghị nhận được nhiều ý kiến phản biện nhất từ các đại biểu, chứng tỏ sự cần thiết của Đề án trong đời sống xã hội.
Đồng chí đề nghị, cơ quan soạn thảo khi xây dựng cần bám sát quy hoạch tỉnh và các văn bản khác của tỉnh. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến góp ý, đảm bảo sự thống nhất giữa thực trạng, định hướng, xác định đối tượng, phạm vi, mục tiêu, giải pháp, hoàn chỉnh đề án trước khi trình UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo đồng bộ, nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Gửi phản hồi
In bài viết