Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu ý kiến thảo luận chiều 15/9. (Ảnh: DUY LINH)
Chiều 15/9, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 15, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Báo cáo một số vấn đề về chuẩn bị kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp sắp tới là 23,5 ngày, trong đó phiên trù bị và khai mạc vào ngày 20/10.
Về dự kiến chương trình kỳ họp, Chính phủ đề nghị bổ sung các nội dung trình Quốc hội xem xét, quyết định, thông qua gồm: Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Đồng thời, trình Quốc hội xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.
Chính phủ đề nghị rút nội dung báo cáo việc thực hiện Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) vì cho đến nay, Hiệp định này chưa có hiệu lực do mới chỉ có 12/27 các nước thành viên EU phê chuẩn.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo một số vấn đề về chuẩn bị Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: DUY LINH)
Về dự kiến chương trình chi tiết, trên cơ sở ý kiến của các cơ quan và tiếp tục phát huy những cải tiến đã được áp dụng hiệu quả tại các kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đề nghị tiếp thu ý kiến tăng thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội quyết định việc truyền hình trực tiếp phiên thảo luận hội trường trên Truyền hình Quốc hội một số dự án luật, dự thảo nghị quyết như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi)…
Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất quan điểm bố trí thêm thời gian thảo luận đối với các dự án luật quan trọng, thu hút sự quan tâm lớn của cử tri và nhân dân; đề xuất bổ sung thảo luận tại hội trường giám sát chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cũng như bố trí thời gian hợp lý giữa phiên thảo luận và biểu quyết thông qua để các cơ quan có đủ thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật.
Đề nghị chưa xem xét tổng kết Nghị quyết 54 tại Kỳ họp thứ 4
Phát biểu kết thúc phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tổ chức Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV trên tinh thần tiết kiệm tối đa thời gian kỳ họp nhưng vẫn phải bảo đảm đạt chất lượng cao nhất và tuân thủ đúng quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật.
Đối với chương trình kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội đề nghị chưa xem xét một số nội dung tại kỳ họp lần này, bao gồm: tổng kết Nghị quyết số 30 về Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV; tổng kết Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh; các quy hoạch tổng thể quốc gia, do chậm trễ trong quá trình chuyển hồ sơ để các cơ quan liên quan thẩm tra trước khi trình Quốc hội.
Quang cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/9. (Ảnh: DUY LINH)
Nhấn mạnh các nội dung trên đều là vấn đề lớn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các đơn vị liên quan cần tập trung đôn đốc, bảo đảm chất lượng cao nhất để có thể trình Quốc hội xem xét sau Kỳ họp thứ 4.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí đưa vào chương trình kỳ họp tới một số nội dung như: Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô-tô thông qua đấu giá; xem xét giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí/dự án BOT.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân đối nội dung của các chương trình theo hướng: những nội dung phức tạp còn có ý kiến khác nhau thì bố trí thời gian nhiều hơn, như dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải có một ngày thảo luận tại hội trường, ít nhất nửa ngày thảo luận tổ. Những dự án luật và nội dung đã có sự chuẩn bị công phu và đã xin ý kiến đại biểu Quốc hội chuyên trách với sự đồng thuận cao thì có thể bố trí thời gian ngắn hơn nếu không phát sinh vấn đề mới.
Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu đối với các dự án luật thông qua tại kỳ họp, từ lúc trình thảo luận tại hội trường đến khi biểu quyết thông qua phải có đủ thời gian để các cơ quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
Gửi phản hồi
In bài viết