Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các nhà khoa học quốc tế. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Trước đó, các nhà khoa học quốc tế đã dự Hội thảo quốc tế “Khoa học, đạo đức và phát triển con người” trong khuôn khổ Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ 18 tại Bình Định. Cùng dự có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương và tỉnh Bình Định.
Ý kiến phát biểu của các nhà khoa học quốc tế tại buổi tiếp đề cao kết quả thành công tại Hội thảo, khẳng định tầm quan trọng của khoa học cơ bản và giáo dục, tăng trưởng kinh tế xanh trong phát triển đất nước nhằm phát triển bền vững, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và Việt Nam có đầy đủ điều kiện cần thiết để có thể trở thành hình mẫu phát triển bền vững.
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chào mừng 51 nhà khoa học quốc tế tham dự Hội thảo “Khoa học, đạo đức học và phát triển con người”, trong đó có nhiều nhà khoa học là nữ, có các công trình khoa học cống hiến cho đất nước và thế giới.
Đồng thời, Chủ tịch nước ghi nhận sự nỗ lực phối hợp tổ chức thành công Hội thảo của Chương trình “Gặp gỡ Việt Nam” với Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Bộ Khoa học và Công nghệ, tỉnh Bình Định, Viện nghiên cứu phát triển Pháp (IRD) tại Việt Nam. Hội thảo là một sự kiện đặc biệt nằm trong chuỗi hoạt động của Bộ Khoa học và Công nghệ, hưởng ứng Năm quốc tế Khoa học cơ bản vì phát triển bền vững do Liên hợp quốc thông qua cuối năm 2021 và UNESCO công bố chính thức tháng 7 năm 2022.
Hoan nghênh những thảo luận đa chiều về quan hệ giữa khoa học và đạo đức, nền tảng cơ bản cho sự phát triển con người, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Hội thảo phân tích sâu sắc vai trò của khoa học, đạo đức trong phát triển với các chủ đề gắn kết thiết thực với đời sống, kinh tế, xã hội về: y tế đời sống; môi trường và đa dạng sinh học; phát triển bền vững và tài nguyên; giáo dục khoa học, thử thách, cơ hội và đạo đức; thông minh nhân tạo và nâng cấp con người; công nghệ mới nổi, công nghệ nano công nghệ sinh học; khoa học, hòa bình và giải trừ quân bị. Cùng với đó, vai trò của các nghị viện trong hoạch định chính sách và đề cao giám sát thực thi... cũng được tập trung bàn thảo.
Chủ tịch nước đánh giá cao ý kiến phát biểu của GS, TS Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam, Giám đốc Trung tâm quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE) và trân trọng cảm ơn tình cảm, sự quan tâm, chia sẻ sâu sắc của các nhà khoa học quốc tế, trong đó đề cập nhiều vấn đề thời sự. Các ý kiến phát biểu, trao đổi tâm huyết tại Hội thảo sẽ được Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp thu, tổng hợp để tham khảo cho việc xây dựng chính sách, điều hành...
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng nhấn mạnh một số nội dung quan trọng về đường lối phát triển của Việt Nam. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đề cao khát vọng Việt Nam hùng cường và xác định: phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, vai trò của khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo chính là nguồn động lực mới, to lớn để đất nước phát triển nhanh, bền vững. Trong đó, coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt cho phát triển công nghiệp hiện đại; tăng trưởng cao, bền vững...
Luật Khoa học và Công nghệ quy định, Nhà nước bảo đảm chi cho khoa học và công nghệ từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển của sự nghiệp khoa học và công nghệ. Chủ đề Hội thảo lần này có những nội dung gần với một số quan điểm trong Tầm nhìn và Chiến lược phát triển của Việt Nam; đó là sự gắn kết hài hòa giữa khoa học, nền tảng đạo đức và phát triển với người dân là trung tâm của quá trình phát triển nhân văn - phát triển vì con người.
Việt Nam chú trọng phát triển con người toàn diện, phát huy sức sáng tạo to lớn của người dân, bảo đảm an ninh xã hội, chăm lo sức khỏe, sự an toàn và môi trường sống, nâng cao mức sống người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, đồng thời tập trung xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người văn hóa mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Để thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG-2030 của Liên hợp quốc, Việt Nam luôn ý thức về trách nhiệm “đạo đức” trong mỗi quyết sách phải thực sự vì phát triển bền vững, vì lợi ích của người dân khi ứng dụng khoa học, công nghệ hay phân bổ các nguồn lực, tài nguyên, không vì tăng trưởng cao mà hạ thấp lợi ích người dân, phá hủy môi trường...
Một dẫn chứng điển hình thể hiện tinh thần trách nhiệm “đạo đức” cao vì người dân, doanh nghiệp của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là trong bão xoáy của dịch Covid-19, bên cạnh sự nỗ lực, chung tay của người dân cả nước, Quốc hội Việt Nam đã kịp thời có một số Nghị quyết cho phép Chính phủ ban hành các quy định có nội dung khác với quy định của luật để linh hoạt trong phòng, chống dịch.
Chủ tịch nước nêu rõ, năm 1986 Việt Nam còn là một nước chịu sự tàn phá bởi chiến tranh, kém phát triển; với nỗ lực đổi mới, cải cách mạnh mẽ, với GDP hằng năm tăng trung bình khoảng 7% trong 35 năm qua, năm 2021 đã vươn lên trở thành nền kinh tế đang phát triển đứng trong Top 40 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Theo các xếp hạng 2021 của Liên hợp quốc, Việt Nam đứng thứ 49/166 về Chỉ số phát triển bền vững SDG, đứng thứ 115/191 về chỉ số HDI phát triển con người...
Tuy nhiên, để phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao đòi hỏi cần nhiều nguồn lực hơn nữa, nhất là nguồn lực con người và nguồn lực khoa học công nghệ.
Gửi phản hồi
In bài viết