Loại bài được đăng trên Fanpage của Báo Tuyên Quang online được nhiều bạn đọc quan tâm.
Độc giả Cương Đặng ở Chiêu Yên (Yên Sơn) đồng tình: “Ở địa phương mình họ cũng kích rất nhiều, chỉ mong các cấp chính quyền vào cuộc để chấm dứt việc này. Mình thì bảo vệ đất của mình, còn họ thì đêm hôm đi vào đất mình kích trộm”.
Bình luận của bạn đọc trên Fanpage Báo Tuyên Quang online.
Nhiều độc giả ở xã Xuân Vân (Yên Sơn) cũng phản ánh tình trạng này đã xảy ra trên địa bàn xã. Độc giả Đặng Giang cho biết, “hiện nay ở địa bàn xã Xuân Vân cũng thường xuyên xảy ra sự việc này. Mong chính quyền sớm có biện pháp để cứu lấy nông nghiệp cho bà con nông thôn”. Độc giả Thành Triệu đặt câu hỏi “Nếu không có người mua thì chẳng ai kích. Vậy việc này bắt đầu từ đâu?”.
Nhiều độc giả bày tỏ các cơ quan chức năng vào cuộc để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Độc giả Trần Liên ở thành phố Tuyên Quang đề nghị các cơ quan chức năng chính quyền vào cuộc để làm chặt chẽ hơn để bảo vệ đất của chính mình.
Bình luận của bạn đọc trên Fanpage Báo Tuyên Quang online.
Tại các địa bàn xảy ra tình trạng này, cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý nghiêm. Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho biết, sau khi bài báo đăng, UBND huyện đã giao phòng phối hợp với một số xã kiểm tra, xác minh thông tin, và ghi nhận thông tin báo chí phản ánh là hoàn toàn chính xác. Hoạt động bắt giun đất bằng kích điện xảy ra rải rác trên địa bàn huyện từ năm 2019. Huyện Chiêm Hóa đã có văn bản đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra lại tình hình này. Qua kiểm tra, trên địa bàn huyện Chiêm Hóa không có các cơ sở sơ chế giun đất, việc bắt giun đất bằng kích điện xảy ra ở một số xã như Linh Phú, Tri Phú. Sau khi Báo Tuyên Quang Online đăng loạt bài viết, các cơ quan chức năng đã vào cuộc quyết liệt, và cơ bản tình trạng kích bắt giun đất trên địa bàn huyện đã được kiểm soát.
Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Vân (Yên Sơn) Triệu Ngọc Lý - địa phương có nhiều lò sấy giun hoạt động - cho biết, việc thu mua, sơ chế giun đất trên địa bàn xã đã kéo dài được một thời gian. Hoạt động kích bắt, thu mua, sơ chế chính là một hành động phá hoại môi trường. Chính quyền xã, công an xã đã tập trung ra quân kiểm tra, nhắc nhở nhiều trường hợp vi phạm. Qua đó, thu giữ nhiều máy kích điện bắt giun, yêu cầu các cơ sở sơ chế không phép dừng hoạt động. Theo ông Lý, việc tuyên truyền, nhắc nhở bước đầu đã có hiệu quả. Số lượng cơ sở sơ chế thời gian đầu có hơn chục cơ sở, giờ giảm còn 4 - 5 cơ cở. Những cơ sở này đã được xã lập biên bản xử lý, yêu cầu dừng hoạt động, nếu không chấp hành, thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.
Ông Đào Lương Nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Tuyên Quang cho biết, sau khi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị phối hợp và qua nắm bắt thông tin trên Báo Tuyên Quang Online, Cục Quản lý thị trường đã yêu cầu các Đội Quản lý thị trường địa phương rà soát, kiểm tra địa bàn. Qua đó, tập trung kiểm tra nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ, hóa đơn chứng từ mua bán các loại máy kích bắt giun. Tuy nhiên, theo ông Nhân, qua kiểm tra, không phát hiện các loại máy này được mua bán trên thị trường. Ông Nhân nhận định, có thể việc cung cấp các loại máy kích điện bắt giun đất được cung cấp trong nội bộ những cơ sở thu mua sơ chế và người đánh bắt. Hiện, lực lượng quản lý thị trường đang tiếp tục nắm bắt thị trường, khi phát hiện các trường hợp mua bán các loại máy này sẽ kiểm tra theo quy định của pháp luật.
Cục Quản lý thị trường cũng khuyến cáo, người dân khi phát hiện các trường hợp mua bán loại máy này báo ngay cho cơ quan chức năng để kiểm tra, xử lý.
Gửi phản hồi
In bài viết