Cần sử dụng còi xe có văn hóa

- Còi xe là thiết bị bắt buộc lắp đặt trên các phương tiện xe cộ khi tham gia giao thông nhằm mục đích báo hiệu, cảnh báo khi cần thiết. Tuy nhiên, tình trạng lạm dụng còi báo hiệu, sử dụng còi không đúng lúc, đúng chỗ vẫn xảy ra hàng ngày gây ảnh hưởng không nhỏ đến nhiều người tham gia giao thông.

 Cảnh sát giao thông phát tờ rơi tuyên truyền về văn hoá giao thông cho người điều khiển phương tiện trên Quốc lộ 2C.

Việc sử dụng còi xe không đúng quy định, đặc biệt vào trong những giờ cao điểm buổi sáng sớm hay lúc tan tầm trong đô thị, khu dân cư là hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông. Chị Hoàng Thị Lan, phường Ỷ La (TP Tuyên Quang) chia sẻ, nhiều lần đưa con đi học vào sáng sớm, khi tín hiệu báo dừng lại của đèn giao thông chưa kết thúc, nhiều xe phía sau đã bấm còi inh ỏi. Điều này khiến cho những người đang chấp hành tín hiệu giao thông như chị cảm thấy rất khó chịu.

Còn anh Nguyễn Văn Đức, tài xế giao hàng khu vực huyện Yên Sơn cho biết, hàng ngày lưu thông trên tuyến Quốc lộ 2C anh gặp nhiều xe khách, xe tải “độ” còi hơi, bộ kích âm để tạo ra âm thanh khủng gây chói tai. Thậm chí có thể khiến nhiều bà, nhiều chị tay lái yếu đang lưu thông trên đường giật mình, loạng choạng. Theo anh, việc sử dụng còi xe không đúng quy chuẩn không chỉ gây ảnh hưởng đến người tham gia giao thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, gây tai nạn giao thông.

Mặc dù đã có chế tài xử phạt hành vi lạm dụng còi tín hiệu hoặc sử dụng còi không đúng quy chuẩn, tuy nhiên việc thực thi còn nhiều khó khăn do khó kiểm soát, ý thức của người tham gian giao thông còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó một số mức phạt còn thấp, chưa đủ sức răn đe người có hành vi vi phạm. Theo đó, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định phạt tiền từ 200 – 400 nghìn đồng đối với xe ô tô và từ 100 – 200 nghìn đồng đối với xe mô tô, xe gắn máy có hành vi bấm còi trong đô thị, khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ sáng. Phạt tiền từ 800 đến 1 triệu đồng đối với xe ô tô và 400 – 600 nghìn đồng với xe mô tô, xe gắn máy có các hành vi bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư. Ngoài ra, với những xe mô tô, xe gắn máy sử dụng còi không đúng quy chuẩn kỹ thuật cho từng loại xe sẽ bị xử phạt từ 100 – 200 nghìn đồng. Với xe ô tô lắp đặt, sử dụng còi vượt quá âm lượng quy định sẽ bị phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng.

Để thay đổi hành vi sử dụng còi, nâng cao ý thức của mỗi người khi tham gia giao thông, bên cạnh các chế tài xử phạt, Ban An toàn giao thông tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến về ý thức của người tham gia giao thông. Trong đó, tập trung tuyên truyền linh hoạt, đa dạng về nội dung, hình thức những quy định Luật Giao thông đường bộ; văn hóa tham gia giao thông để mỗi người hiểu rằng việc lạm dụng còi xe không chỉ gây ô nhiễm tiếng ồn mà còn là hành vi thiếu văn hóa, gây nguy hiểm cho mọi người tham gia giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh trong quá trình tuần tra, kiểm soát cũng tiến hành nhắc nhở, xử lý nghiêm các phương tiện vi phạm quy định như sử dụng còi không đúng thiết kế của nhà sản xuất, sử dụng thiết bị khuếch đại âm thanh; điều khiển xe không có còi hoặc còi không có tác dụng; rú còi, nẹt bô, phóng nhanh, vượt ẩu…

Việc sử dụng còi xe hợp lý, đúng cách là một trong những nét đẹp thể hiện văn hóa khi tham gia giao thông. Qua đó góp phần tạo nên môi trường sống an toàn, lành mạnh và văn minh.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục