Cảnh giác với hình thức cho vay trực tuyến

- Trên địa bàn tỉnh ta gần đây xuất hiện các hình thức cho vay trực tuyến, với ưu thế nhanh, tiện lợi và có tiền nhanh chóng. Thế nhưng, nhiều đối tượng đã lợi dụng những kẽ hở của pháp luật và đưa nhiều người vào hoàn cảnh vay với lãi suất siêu nặng, khiến nhiều gia đình lao đao.

Dành khoảng 10 phút tìm kiếm trên các trang mạng, không khó để tiếp cận các ứng dụng, website cho vay tiền. Điểm chung là hầu hết được thiết kế bắt mắt, dễ sử dụng và kèm theo nhiều lời quảng cáo như duyệt nhanh trong 30 giây, lãi suất bằng lãi ngân hàng, không cần xác minh thu nhập…

Rất dễ để tiếp cận các địa chỉ cho vay tiền trực tuyến qua Facebook. 

Phóng viên đã gặp gỡ một số nạn nhân trong các vụ vay tiền trực tuyến, họ đều cho rằng các đối tượng giải ngân rất nhanh, chỉ khoảng 30 phút là có tiền vào tài khoản nhưng tiền nhận được đều ít hơn tiền đăng ký vay với lý do trừ tiền lãi trước. Sau khi “chốt” gốc, lãi, nếu làm phép tính sẽ cho ra mức lãi suất lên đến 300 - 400%/tháng.

Chị Nguyễn Thị T, thôn Thúc Thủy, xã An Khang (TP Tuyên Quang) do thiếu tiền lo việc gia đình, chị đã vay qua ứng dụng (App) trên điện thoại số tiền 20 triệu đồng, ngay sau khi gửi căn cước công dân, một số hình ảnh về nơi ở, ảnh cá nhân, các đối tượng lập tức giải ngân tiền qua số tài khoản được cung cấp. Thế nhưng số tiền chị nhận vào tài khoản chỉ là 17 triệu đồng và mỗi ngày sẽ trả nợ vào số tài khoản cho các đối tượng với mức từ 500 đến 800 nghìn đồng kéo dài trong 30 ngày. Chị cho biết: Đó thực sự là cơn ác mộng với chị và người thân trong gia đình, nếu hôm nào quên không chuyển tiền, các đối tượng sẽ liên hệ với người thân, họ hàng bằng tin nhắn đe dọa, vào trang Facebook cá nhân của mọi người bình luận những lời lẽ khiếm nhã gây bức xúc và mất tình đoàn kết trong gia đình.

Trên mạng xã hội hiện nay, nhiều tài khoản cá nhân đã bị các đối tượng tự thêm vào nhóm “Hội Vay tiền App online và chia sẻ kinh nghiệm vay”; “Cho vay tiền nhanh online toàn quốc uy tín”... Tại các nhóm này, không chỉ quảng cáo cho các ứng dụng, website vay tiền mà người có nhu cầu còn có thể dễ dàng vay tiền từ những người đăng bài. Số tiền cam kết cho vay dao động từ 500 nghìn đồng cho đến 100 triệu đồng và yêu cầu thủ tục cũng chỉ là ảnh chụp giấy tờ tùy thân.

Nhiều người tham gia không trả lãi đã hủy bỏ sim điện thoại, vô tình người sau dùng số đó sẽ bị vạ lây. Anh Dương Công Bảy, xã Yên Lâm (Hàm Yên) cho biết: Anh mua 1 số điện thoại Viettel từ cửa hàng bán sim, nhưng cũng từ đó anh liên tục bị khủng bố bởi các nhân viên từ những ứng dụng cho vay, anh ngậm ngùi bỏ số điện thoại mới dùng dù người vay là 1 bạn gái ở Tiền Giang và anh lại ở Tuyên Quang nhưng các đối tượng vẫn không buông tha. Anh chia sẻ: Vừa mất thời gian thông báo đổi số liên lạc với đồng nghiệp, bạn bè, vừa bị áp lực tâm lý do “khủng bố” bằng điện thoại của các đối tượng, anh mong thời gian tới cơ quan chức năng sẽ sớm xử lý các đối tượng cho vay kiểu này.

Người dân trình báo cơ quan Công an khi liên tục nhận được các tin nhắn lạ về cho vay được gửi vào điện thoại cá nhân.

Gần đây tại địa bàn xã Chân Sơn (Yên Sơn) nhiều người dân nhận được các tin nhắn về vay tiền thủ tục nhanh gọn, chỉ cần căn cước công dân, không cần chứng minh thu nhập... Đại úy Nguyễn Bá Đoàn Long, Trưởng Công an xã Chân Sơn cho biết: Vay tiền trực tuyến thực chất là hình thức cho vay tín chấp, người đi vay không cần có tài sản bảo đảm và người cho vay dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Do vậy, ngay khi tiếp nhận thông tin, Công an xã đã kịp thời tuyên truyền cho người dân cần cảnh giác trước các loại hình, chiêu thức lừa đảo của nhóm tội phạm công nghệ cao này. Các đối tượng lợi dụng uy tín của những ngân hàng, công ty tài chính, lập ra các app, website mạo danh với tên gọi, nội dung “na ná” nhau để dễ bề lập lờ “đánh lận con đen”, lừa đảo người thiếu thông tin.

Về phương án xử lý đối tượng lừa đảo qua mạng, luật sư Ngô Việt Thắng, Công ty Luật Quốc Cường, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang) cho biết: Hình thức cho vay trực tuyến hoạt động dựa trên mô hình cho vay ngang hàng (Peer to Peer Lending) trên nền tảng công nghệ số kết nối trực tiếp người đi vay với người cho vay mà không thông qua trung gian tài chính. Đây đang là kẽ hở của pháp luật Việt Nam, chưa có chế tài xử lý.

Theo thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh, trên địa bàn tỉnh ta chưa ghi nhận trường hợp nào đủ chứng cứ đưa các đối tượng ra xét xử, đa số người bị hại chỉ trình báo công an xã, phường, nhưng chỉ cần thấy “động” các đối tượng sẽ ngừng gọi điện đòi nợ và tạm thời ẩn mình một thời gian. Thượng tá Ma Quang Trung, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: Tín dụng đen sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến, với lãi suất rất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay. Vì vậy, người dân khi gặp khó khăn về tài chính, hãy tìm đến các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương hoặc trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ; cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng (app, web) trên Internet. Người dân cũng cần kịp thời trình báo cơ quan công an, cung cấp đủ chứng cứ có thể bao gồm: Số điện thoại giao dịch, dữ liệu điện tử, tin nhắn trao đổi liên quan đến giao dịch cho vay tiền, biên lai chuyển tiền, hình ảnh... từ đó tạo điều kiện cho cơ quan điều tra thực hiện nhiệm vụ.

Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục