Đa dạng hình thức tuyên truyền pháp luật

- Nhằm nâng cao ý thức của người dân về việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, Tuyên Quang đã thực hiện đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, để pháp luật được thực thi một cách hiệu quả nhất.

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Ông Giàng A Chềnh, dân tộc Mông ở thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) được người dân bầu làm Người có uy tín ở thôn. Cả thôn có 65 hộ, thì 49 hộ là đồng bào dân tộc Mông, còn lại là đồng bào dân tộc Dao và Tày. Để đồng bào hiểu được những quy định có liên quan, ông Chềnh chọn cách tuyên truyền bằng tiếng Mông để bà con biết về chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; đến nay thôn Tiên Tốc không có tệ nạn trộm cắp, hay nghiện hút.

Ông có cách vận động quần chúng hết sức thuyết phục, các cụ dạy danh chính, ngôn mới thuận; mình là người chính danh thì lời nói mới trôi chảy, dễ nghe, dễ hiểu và dễ làm theo. Bà con ở Tiên Tốc đã nghe ông nói và đã làm theo những việc ông làm. Thực tiễn, ông vận động bà con không tham gia các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương; hiến đất làm đường bê tông nông thôn, ông gương mẫu làm trước, bà con trong bản tiếp bước theo sau. Vận động bà con trồng cỏ nuôi trâu, bò nhốt vỗ béo, bây giờ đời sống của bà con trong thôn đã bớt khổ, cái đói, cái nghèo nhường chỗ cho sự no ấm.  

Ông Nguyễn Quốc Ái, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Lâm Bình cho biết: các hình thức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật đang được huyện triển khai thực hiện tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của Trung tâm Văn hóa, Truyền thông và Thể thao huyện và qua loa phát thanh ở các xã, thị trấn, các cụm dân cư. Tuyên truyền qua hệ thống băng rôn, áp phích, khẩu hiệu và phát tờ rơi tại các khu vực thường xuyên tập trung đông người dân như: chợ, nhà văn hóa, UBND các xã, thị trấn.

Người Mông thôn Tiên Tốc, xã Bình An (Lâm Bình) tìm hiểu thông tin pháp luật trên bản tin của thôn.

Qua thực tế, thời gian tuyên truyền qua loa phát thanh vào các khung giờ từ (05 - 07 giờ) sáng, hoặc (17 - 19 giờ) chiều tối, đây là thời điểm người dân có điều kiện lắng nghe, tiếp nhận thông tin. Việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật còn được các xã, thị trấn thực hiện lồng ghép với hội nghị tiếp xúc cử tri, cuộc họp thôn, bản và các cấp, ngành. Các nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào những quy định mới của pháp luật; các quy định cơ bản của Luật Cư trú 2020, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tội phạm, Luật mua bán người, Luật sửa đổi bổ sung Luật Xử phạt vi phạm hành chính, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tiếp công dân; các quy định về quản lý cư trú, quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ, pháo nổ.

Theo Sở Tư pháp, ngay sau khi Luật Phổ biến giáo dục pháp luật năm 2012 được Quốc hội thông qua, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 62/KH-UBND ngày 28/11/2012 triển khai thực hiện Luật phổ biến giáo dục pháp luật; toàn tỉnh đã ban hành 1.755 văn bản triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 315/QĐ-UBND, ngày 2/8/2011 phê duyệt Đề án Phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, gắn với trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng chính sách (giai đoạn 2011 - 2015); các cơ quan, đơn vị đã ký kết 7 chương trình phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật.

Sở Tư pháp tổ chức thực hiện Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu giải pháp để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang”. Hình thức, nội dung phổ biến giáo dục pháp luật cho các đối tượng đặc thù được thực hiện cơ bản theo đúng quy định của Luật phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó Sở Tư pháp đã tổ chức 2.801 buổi tuyên truyền, trợ giúp pháp lý lưu động cho trên 96 nghìn lượt đồng bào dân tộc thiểu số; biên soạn, cấp phát 720 nghìn bộ tài liệu tuyên truyền pháp luật; định kỳ hàng tháng biên soạn tài liệu tuyên truyền pháp luật đăng tải trên Trang Thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Tuyên Quang; Trang Thông tin điện tử Sở Tư pháp để các cơ quan, đơn vị khai thác, thực hiện tuyên truyền miệng, tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở.

Đồng thời, các đơn vị như Công an tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động tỉnh, Ban Dân tộc, Sở Nội vụ, Hội Nông dân tỉnh... cũng đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, người theo đạo, phạm nhân, người lao động, người sử dụng lao động...

Trong 10 năm, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện trên 102 nghìn buổi tuyên truyền pháp luật cho gần 10 triệu lượt người; thực hiện trên 37 nghìn cuộc tư vấn pháp luật cho hơn 68 nghìn lượt người. Ngành Tư pháp đã thực hiện gần 523 nghìn chuyên mục, chuyên trang tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội; tổ chức 994 cuộc/hội thi tìm hiểu pháp luật, thu hút trên 457 nghìn lượt người tham gia...

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Xác định nguồn nhân lực phổ biến giáo dục pháp luật là một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, vì vậy việc củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật  luôn được tỉnh quan tâm chú trọng.

Sau 4 lần kiện toàn, hiện nay, Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh có 37 thành viên do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Chủ tịch Hội đồng; toàn tỉnh hiện có 247 công chức Tư pháp - Hộ tịch. Cùng với đó, tỉnh cũng thường xuyên chỉ đạo thực hiện việc rà soát, kiện toàn đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Toàn tỉnh hiện có 3.686 báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật, trong đó có 91 báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh, 241 báo cáo viên pháp luật cấp huyện, 3.354 tuyên truyền viên pháp luật cấp xã.

Công tác tuyên truyền thông qua hoạt động hòa giải ở cơ sở đạt được hiệu quả cao. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.736 tổ hòa giải, hơn 10,6 nghìn hòa giải viên. Từ năm 2012 đến nay, các Tổ hòa giải đã tiến hành hòa giải trên 43 nghìn vụ việc, trong đó có gần 38 nghìn vụ việc hòa giải thành công. Thông qua hoạt động này đã kịp thời giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục