Mua bán trái phép thiết bị công nghệ xâm phạm đời tư: Cần xử lý nghiêm

- Chỉ cần dành vài phút, lướt các trang Web, Facebook hay Tiktok, chúng ta có thể dễ dàng tiếp cận những cá nhân bán các thiết bị viễn thông, thiết bị công nghệ xâm phạm đời tư như camera siêu nhỏ, ghi âm, thiết bị định vị... Việc mua bán các thiết bị là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Đầu năm 2021, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt giữ 2 đối tượng có hành vi cưỡng đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn ghi trộm hình ảnh nhạy cảm của bị hại trong nhà nghỉ để rồi đe dọa, tống tiền.  Hai đối tượng là Trần Văn Ninh (sinh năm 1998) và Nguyễn Thế Duy (sinh năm 2002) cùng trú ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang. Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, khoảng cuối tháng 11 - 2020, sau khi mua các thiết bị quay phim ghi hình tại các cửa hàng, Ninh đã rủ Duy cùng thuê phòng tại một nhà nghỉ trên địa bàn xã Thanh Vân, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà nghỉ, Ninh lắp đặt camera mini tại một phòng nghỉ khác trong khách sạn để ghi lại hình ảnh người đến thuê phòng và thu thập thông tin cá nhân của những người này để tống tiền, cưỡng đoạt tài sản.

Đối tượng Trần Văn Ninh, trú tại huyện Sơn Dương đang miêu tả hành vi lắp camera quay lén của mình.

Trên các trang bán hàng Online, các thiết bị Camera giấu kín có khả năng quay 360 độ, ngụy trang trong chiếc sạc điện thoại, chiếc bút bi, hay đơn giản trong chiếc cúc áo...  và vô vàn các thiết bị định vị, ghi âm với thẻ nhớ từ 32G đến 64G, thời lượng pin trên 100 giờ sử dụng liên tục được bày bán tràn lan. Các thiết bị nói trên không chỉ đa dạng kiểu dáng, màu sắc, mà tính năng cũng chiều lòng nhiều người.

Trao đổi với luật sư Đàm Quốc Cường, Công ty Luật Quốc Cường, phường Phan Thiết (TP. Tuyên Quang), ông cho rằng: nghe lén hay quay lén rõ ràng là những hành vi mang ý nghĩa tiêu cực. Luật Viễn thông đã quy định cấm hành vi thu trộm, nghe trộm, xem trộm thông tin trên mạng viễn thông. Nghe lén còn là hành vi phạm tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân vì thế khi phạm tội tùy vào mức độ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật hiện hành. 

Điều 21 Chương II Hiến pháp quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.

Camera siêu nhỏ được ngụy trang rất tinh vi.

Chị Phạm Thùy Linh, tổ 12, phường Phan Thiết (TP. Tuyên Quang) cho biết: chị kinh doanh trong lĩnh vực làm đẹp, chăm sóc da, nhưng sau khi được nghe bạn bè và người thân kể về thiết bị quay lén, ghi âm hai chiều, chị thực sự lo lắng. Chị chia sẻ: mình làm đúng pháp luật, đầy đủ giấy phép hành nghề, nhưng thương trường khốc liệt, các đối thủ cạnh tranh thường có những hành động mất văn hóa, ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, do vậy chị rất thận trọng khi tiếp khách và cũng thận trọng ngay trong cả những cuộc điện thoại.

Việc mua bán và sử dụng phần mềm nghe lén điện thoại là vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến an toàn, bí mật thông tin riêng của người sử dụng điện thoại, làm mất an ninh, trật tự xã hội. Những người vi phạm có thể bị truy tố theo Điều 159 Bộ luật Hình sự về tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác. Nghiêm trọng hơn, nếu xác định được việc dùng phần mềm truy cập bất hợp pháp vào điện thoại người khác để thu thập trái phép thông tin liên quan đến an ninh quốc gia hoặc bí mật Nhà nước để nhằm mục đích làm gián điệp thì có thể bị xử lý về tội “gián điệp” theo Điều 110 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt cao nhất là tử hình.

Phóng viên đã thử tham gia nhóm “Camera Quay Lén Mini - Định Vị Kèm Nghe Lén” thì choáng ngợp bởi ma trận các thiết bị, mời chào giá từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng. Nhưng khi được hỏi về xuất xứ sản phẩm thì ngay lập tức sẽ bị chặn Facebook hoặc số điện thoại. Anh Nguyễn Văn Thành, chủ một cửa hàng buôn bán đồ điện tử tại phường Tân Quang (TP. Tuyên Quang) cho biết: các thiết bị trên đa phần đều là đồ nhập lậu, tính năng sử dụng cũng không thật sự đúng như quảng cáo, bởi nếu tính năng được như vậy thì không có giá vài triệu mà phải trên 100 triệu đồng, do đó người mua cần cân nhắc tránh bị lừa, cá nhân anh cũng rất lên án những hành vi bán các thiết bị này, đó thực sự là tiếp tay cho tội phạm và là hành vi văn hóa xấu trong xã hội hiện đại.

Theo Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ người tiêu dùng, thì những người kinh doanh mặt hàng thiết bị nghe lén sử dụng sóng GSM có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 100 triệu đồng. Tuy nhiên hiện nay, những người kinh doanh các thiết bị này biết là vi phạm pháp luật, song vì lợi nhuận, vẫn đánh liều kinh doanh, đồng thời sử dụng nhiều biện pháp đối phó với cơ quan chức năng.              

 Bài, ảnh: Lê Duy

Tin cùng chuyên mục