Ngăn chặn mua bán trái phép tài khoản ngân hàng

- Công an tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an cấp huyện triển khai đồng bộ những biện pháp đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi mua, bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ hành vi này là vi phạm pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro, hệ lụy.

Thượng tá Ma Quang Trung, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: qua công tác điều tra cho thấy những vụ án liên quan đến hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hầu hết các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng không chính chủ để nhận tiền lừa đảo. Nguồn tiền đó bị các đối tượng chuyển qua lại nhiều tài khoản khác nhau gây khó khăn cho công tác xác minh điều tra. Các tài khoản này đều là những người dân vì hoàn cảnh khó khăn đã bị dụ dỗ, không biết việc mình mở tài khoản để bán, cho thuê, cho mượn là vi phạm pháp luật.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh triển khai đấu tranh ngăn chặn mua bán trái phép tài khoản ngân hàng.

Những người được thuê mở tài khoản, thẻ ngân hàng thường là học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập thấp, người ít hiểu biết về pháp luật. Họ không để tâm đến những rắc rối về pháp luật có thể xảy ra nếu đứng tên mở tài khoản ngân hàng hoặc mở thẻ ATM rồi bán lại cho người khác. Khi có tài khoản hoặc thẻ ATM thuê hoặc mua được, các đối tượng xấu sẽ sử dụng giao dịch vào những vi phạm pháp luật như: đánh bạc, tổ chức đánh bạc trên mạng (trò chơi trực tuyến, cá độ bóng đá)...

Do đó, việc mua, bán tài khoản ngân hàng là một hình thức tiếp tay cho tội phạm, kéo theo nhiều hệ lụy. Bởi, tài khoản ngân hàng được mở gắn liền với thông tin của chủ tài khoản, nên khi mua bán trái phép này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động quản lý, phát triển lĩnh vực ngân hàng và công nghệ thông tin, mạng viễn thông.

Ở tỉnh ta, tình trạng mua, bán tài khoản ngân hàng tuy không trở thành điểm nóng nhưng tiềm ẩn diễn biến phức tạp. Trong xu thế chuyển đổi số mạnh mẽ, các ngân hàng đang tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân mở tài khoản ngân hàng (đặc biệt là mở tài khoản trực tuyến) đáp ứng nhu cầu thực hiện các giao dịch tài chính trực tuyến. Người dân chỉ cần có chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân là có thể mở tài khoản ngân hàng mọi lúc, mọi nơi thông qua điện thoại thông minh có kết nối mạng. Đây cũng tạo lỗ hổng để các đối tượng xấu lợi dùng nhiều thủ đoạn dụ dỗ người dân, nhất là học sinh, sinh viên mở tài khoản ngân hàng, rồi mua hoặc thuê lại.

Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh đã phối hợp với Công an huyện Hàm Yên đấu tranh, triệt phá 2 vụ án liên quan tội phạm thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng xảy ra tại huyện Hàm Yên. Cụ thể, vụ thứ nhất xảy ra tháng 5-2021, N.T.G, trú tại thôn 5 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên) mua bán 26 tài khoản ngân hàng từ 25 người dân. Vụ thứ hai: V.P.V, trú tại xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ (tỉnh Hưng Yên) và Tr.T.A, trú tại phường Phúc Thành, thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) đã móc nối, cấu kết với một số đối tượng trên địa bàn huyện Hàm Yên tổ chức thu mua 1.674 tài khoản của 558 người diễn ra từ tháng 1-2022 đến tháng 4-2022. Cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý các đối tượng theo quy định pháp luật.

Công an tỉnh khuyến cáo người dân nêu cao cảnh giác, tuyệt đối không vì hám lời trước mắt mà thực hiện, tiếp tay cho kẻ xấu thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ATM. Hành vi mua bán thông tin tài khoản ngân hàng sẽ xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị xử lý về hình sự (tùy theo mức độ vi phạm). Người dân khi phát hiện dấu hiệu tội phạm liên quan đến hành vi trên, hãy chủ động liên hệ ngay đến cơ quan Công an để kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục