Siết chặt quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ

- Lực lượng chức năng của tỉnh đã và đang siết chặt quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ giúp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn những hành vi phạm pháp khác có thể phát sinh trong lĩnh vực này.

UBND tỉnh vừa có văn bản chỉ đạo, yêu cầu các sở, ngành và UBND cấp huyện tăng cường quản lý, phòng, chống tội phạm liên quan đến kinh doanh dịch vụ cầm đồ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tăng cường triển khai đồng bộ những biện pháp nghiệp vụ, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các cơ sở cầm đồ, không để cơ sở này lợi dụng kinh doanh để hoạt động phạm tội. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phương thức, thủ đoạn và tác hại của hoạt động cầm đồ trái pháp luật, “tín dụng đen” để nâng cao ý thức cảnh giác của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh kiểm tra, nắm tình hình hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ tại phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang).

Trung tá Đỗ Mạnh Phú, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh cho biết: trên địa bàn tỉnh hiện có 97 cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, trong đó tập trung nhiều ở thành phố Tuyên Quang với 31 cơ sở, huyện Yên Sơn 25 cơ sở, huyện Chiêm Hóa 19 cơ sở, số còn lại ở các huyện khác. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ là nghề kinh doanh có điều kiện, tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm pháp luật khác. Chủ cơ sở có thể vì hám lợi mà tiếp tay cho các đối tượng xấu như “hợp thức hóa” những tài sản do người khác phạm tội mà có, thực hiện hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê...

Từ tháng 6 đến tháng 8-2022, Công an tỉnh đã kiểm tra 57/97 cơ sở. Qua kiểm tra cho thấy, các cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự. Cơ sở đã có sổ theo dõi ghi chép khá đầy đủ hoạt động cho vay, cầm cố, có nhà kho bảo quản tài sản cầm cố. Đoàn kiểm tra chưa phát hiện cơ sở cho vay tiền, cầm cố tài sản có mức lãi suất cho vay vượt quá 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước quy định. Tuy nhiên, qua kiểm tra, lực lượng Công an đã phát hiện một số tồn tại hạn chế và nhắc nhở, yêu cầu cơ sở vi phạm khắc phục ngay như: một số cơ sở lập hợp đồng cho vay cầm cố không ghi tỷ lệ lãi suất, có 13 cơ sở tạm dừng hoạt động chưa làm thủ tục tạm dừng hoạt động theo quy định.

Theo số liệu từ Công an tỉnh, thời gian gần đây, nghề kinh doanh này trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm nguyên nhân do ảnh hưởng của dịch Covid-19, người dân dễ tiếp cận nguồn vốn vay ngắn hạn, lãi suất thấp từ kênh ngân hàng. Để hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ theo quy định pháp luật, Công an tỉnh đã thường xuyên rà soát, nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ và tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Thực tế, các cơ sở cầm đồ đã cung cấp nhiều nguồn tin, phối hợp giúp lực lượng Công an phá án trộm cắp tài sản, truy bắt tội phạm bỏ trốn. Bởi thường sau khi trộm được tài sản, các đối tượng sẽ tìm đến cơ sở cầm đồ để tiêu thụ.  

Để góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về an ninh, trật tự đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cùng với việc thực hiện nghiêm các quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, chủ cơ sở, nhân viên kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Các ngành chức năng và chính quyền cơ sở cần phối hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, xử lý triệt để những vi phạm của các cơ sở, trong đó tập trung kiểm tra, xử lý kịp thời đối với các cơ sở kinh doanh không có đầy đủ  giấy tờ, không treo biển hiệu (cầm đồ không phép trá hình), cầm cố tài sản không rõ nguồn gốc, cầm cố tài sản với số lượng lớn...

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Tin cùng chuyên mục