Tuân thủ vạch kẻ đường

- Cùng với hệ thống biển báo giao thông, vạch kẻ đường cũng là một dạng báo hiệu thông dụng và cơ bản. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ các dạng vạch kẻ đường để tuân thủ đúng, tránh bị phạt lỗi đi sai làn, lấn làn, đè vạch hoặc nghiêm trọng hơn là gây tai nạn, mất an toàn giao thông.

Theo quy chuẩn 41:2019/BGTVT vạch kẻ đường là một dạng báo hiệu để hướng dẫn, điều khiển giao thông nhằm nâng cao an toàn và khả năng thông xe, có thể dùng độc lập và có thể kết hợp với các loại biển báo hiệu đường bộ hoặc đèn tín hiệu chỉ huy giao thông. Có thể phân chia các loại vạch kẻ đường theo 2 nhóm chính đó là nhóm vạch phân chia hai chiều xe chạy (màu vàng) và nhóm vạch phân chia các làn xe chạy cùng chiều (màu trắng).

Tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Phú Thịnh (Yên Sơn) phân chia 2 làn xe chạy ngược chiều bằng vạch vàng đơn, nét liền, các phương tiện không được lấn làn, đè vạch.

Anh Bùi Văn Đạt, giáo viên tại Trung tâm Dạy nghề - Sát hạch lái xe Tuyên Quang cho biết, một số loại vạch kẻ đường thông dụng thường gặp đó là vạch trắng nét đứt, vạch trắng nét liền, vạch vàng nét đứt, hai vạch vàng song song. Vạch trắng nét đứt là vạch phân chia các làn xe cùng chiều. Khi thấy vạch này, các phương tiện được chuyển làn đường qua vạch. Vạch trắng nét liền cũng dùng để phân chia các làn xe cùng chiều, tuy nhiên xe không được phép chuyển làn, không được lấn làn, đè lên vạch kẻ đường. Vạch vàng nét đứt dùng để phân chia 2 chiều xe ngược nhau ở đoạn đường có từ hai làn xe trở lên và không có dải phân cách; xe được phép cắt qua để đi ở làn ngược chiều từ cả hai phía. Vạch vàng song song có tác dụng phân chia 2 chiều xe chạy, dùng ở đường có từ 4 làn trở lên và không có dải phân cách ở giữa; các phương tiện không được lấn làn hay đè lên vạch.

Vạch vàng nét liền đôi trên đường Trường Chinh (TP Tuyên Quang) dùng để phân chia hai chiều xe chạy cho đường có từ 4 làn xe trở lên, xe không được lấn làn, không được đè lên vạch.

Người điều khiển phương tiện cũng dễ dàng bắt gặp loại vạch một vạch liền và một vạch đứt nét trên một số tuyến đường ở địa bàn thành phố như Trường Chinh, Bình Thuận, Phạm Văn Đồng... Vạch này cho phép các phương tiện ở bên phải phần đứt nét được phép vượt và lấn làn khi cần thiết. Chị Đặng Xuân Hoàn, tổ 8, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, vạch kẻ đường một vạch liền và một vạch đứt chỉ cho phép các xe được vượt hoặc sang đường ở một số đoạn nhất định. Tuy nhiên, nhiều người tham gia giao thông do không nắm được luật hoặc cố tình vi phạm nên dẫn đến nhiều tình huống nguy hiểm xảy ra. Điển hình như tối 1-3 vừa qua, khi đang điều khiển ô tô trên đường Trường Chinh, dù đang ở trên đoạn đường có 2 vạch vàng song song nhưng một thanh niên điều khiển mô tô vẫn cố tình đè vạch, lấn làn và suýt đâm vào xe của chị.   

Tại Nghị định 100, lỗi không tuân thủ vạch kẻ đường được quy định rõ ràng. Theo đó, người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của vạch kẻ đường sẽ bị phạt từ 200 – 400 nghìn đồng và tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông. Mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy vi phạm lỗi này là từ 100 – 200 nghìn đồng và tước giấy phép lái xe từ 2 – 4 tháng nếu gây tai nạn giao thông. Chị Phạm Thị Hương, thôn Chè Đen, xã Hoàng Khai (Yên Sơn) chia sẻ, tuyến đường tránh Bình Thuận (TP Tuyên Quang) là đường đôi có giải phân cách cứng, có vạch kẻ phân làn đường. Trước đây do không để ý nên chị đã đi xe máy vào làn trong cùng dành cho xe thô sơ. Khi được các đồng chí cảnh sát giao thông nhắc nhở chị mới hiểu các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải đi trên làn đường bên trái. Từ đó chị luôn tuân thủ, chấp hành luật để đảm bảo an toàn.

Vạch trắng nét liền phân chia các làn xe cùng chiều không cho phép xe chuyển làn hoặc sử dụng làn khác.

Người điều khiển giao thông còn bắt gặp vạch kẻ đường hình xương cá. Đối với vạch này, người lái xe không được phép đè vạch vượt xe khác vì sự nguy hiểm của tuyến đường. Bên cạnh đó, mọi người cũng cần biết, đối với vạch nét đứt càng dài thì tốc độ được phép đi cao và ngược lại. Việc hiểu rõ tín hiệu của vạch kẻ đường giúp người tham gia giao thông tránh được các lỗi vi phạm, chủ động lái xe an toàn cho chính mình và những người xung quanh.

Bài, ảnh: Nhật Quang

Tin cùng chuyên mục