Phát động thi đua cao điểm ‘500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc'

- Sáng 18-8, tại tỉnh Đắk Lắc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự và chỉ đạo lễ phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc". Buổi lễ được kết nối trực tuyến với 10 tỉnh có đoạn tuyến phải hoàn thành trong năm 2025 và 3 tỉnh cung cấp nguyên vật liệu cho các dự án.

 

 

 

 Các đại biểu dự Lễ phát động tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Phúc

Dự lễ phát động trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có các đồng chí: Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, các sở, ban, ngành; lãnh đạo các huyện Hàm Yên, Yên Sơn, TP Tuyên Quang; các nhà thầu thi công Dự án Cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang.

Dự hội nghị về phía tỉnh Hà Giang có đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Uỷ viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và các đồng chí lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải, lãnh đạo tỉnh chủ trì Lễ phát động tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Thanh Phúc

Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải, tính đến nay, tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đạt 2.021 km. Bộ đang triển khai thi công khoảng 1.700 km, trong đó, có khoảng hơn 1.100 km có kế hoạch hoàn thành vào năm 2025 và khoảng 68 km có kế hoạch hoàn thành năm 2026, nhưng có thể rút ngắn và hoàn thành năm 2025.

Về dự án cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1) đoạn qua tỉnh Tuyên Quang có tổng chiều dài tuyến 77 km, đến nay đã giải phóng mặt bằng đạt 82%. Dự án có 7 gói thầu xây lắp, hiện đã triển khai 74 mũi thi công với tổng số lượng gần 500 máy móc, thiết bị trên tuyến. Tuy nhiên, dự án được triển khai trong điều kiện vừa thi công vừa giải phóng mặt bằng, cùng với thời tiết mưa nhiều, kéo dài rất khó khăn trong việc thi công nền đường, nên đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công.

Để giải quyết các khó khăn, vướng mắc này, tỉnh Tuyên Quang đã thành lập các tổ công tác tháo gỡ về giải phóng mặt bằng, ưu tiên các vị trí điểm nghẽn. Năm 2024 dự án được giao vốn hơn 2.280 tỷ đồng, hiện tiến độ giải ngân đạt hơn 38% kế hoạch.

Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh và các đại biểu dự Lễ phát động. Ảnh: Thanh Phúc

Tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc". Thủ tướng nhấn mạnh: Đây là sự kiện đầy ý nghĩa trong không khí cả nước sôi nổi thi đua hướng tới kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII và chào mừng đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ban, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, phải thực sự vào cuộc coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ đã được giao; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, phân công "rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ hiệu quả"; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ngay tại công trường dự án.

Các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh dự Lễ phát động. Ảnh: Thanh Phúc

Thủ tướng lưu ý các địa phương có dự án hạ tầng giao thông đang triển khai cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền, phát huy vai trò người đứng đầu, tuyên truyền vận động, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, trong đó chú trọng việc đầu tư xây dựng các khu tái định cư, bảo đảm người dân có nơi ở mới tối thiểu bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ; phối hợp với các nhà đầu tư, nhà thầu thi công làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, hỗ trợ, tạo thêm công ăn việc làm, sinh kế cho người dân địa phương, tạo sự phấn khởi, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Địa phương có nguồn vật liệu phải tích cực hỗ trợ cho địa phương khó khăn hơn, cấp trực tiếp cho chủ đầu tư, nhà thầu, tất cả vì mục tiêu chung, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu thi công, Thủ tướng yêu cầu cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, huy động tối đa máy móc, phương tiện, tổ chức thi công khoa học, liên tục, chỉ bàn làm, không bàn lùi, vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão, xuyên lễ, xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, 3 ca 4 kíp, ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương, làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, đã ra quân là chiến thắng, đã cam kết phải thực hiện, đã hứa phải làm, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm, hiệu quả cụ thể. Đồng thời, nâng cao chất lượng công trình, bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động.

Lãnh đạo các sở, ngành tỉnh dự Lễ phát động. Ảnh: Thanh Phúc

Các nhà thầu chính phải tạo điều kiện, hợp tác, hỗ trợ để các doanh nghiệp, nhà thầu địa phương trưởng thành, lớn mạnh qua việc tham gia dự án; các nhà thầu phụ, các nhà thầu địa phương cần tích cực tham gia, huy động nhân lực, vật lực để hỗ trợ các nhà thầu chính khi có yêu cầu; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển.

Thủ tướng yêu cầu ngay sau Lễ phát động, các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án, các nhà thầu thi công, các cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch triển khai, ban hành các tiêu chí thi đua phù hợp, tập trung vào những nhiệm vụ khó, nhiệm vụ trọng tâm và xác định rõ việc hoàn thành các công trình đường cao tốc là nhiệm vụ chính trị hàng đầu giai đoạn từ nay đến Đại hội XIV của Đảng; nêu cao trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm với tập thể, vì danh dự của cá nhân, của cơ quan, đơn vị, địa phương mình; vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng sự mong mỏi của nhân dân về một hệ thống đường bộ cao tốc đồng bộ, hiện đại, phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. 

Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục