Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 658 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Danh thắng quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Ở Tuyên Quang có nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng, song Tuyên Quang đặc biệt chú ý du lịch về nguồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng. Đây có lẽ là loại hình du lịch nổi trội, đặc sắc nhất mà Tuyên Quang có được.
Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Tuyên Quang, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào nằm trên địa bàn 12 xã trong khu ATK (An toàn khu), thuộc 2 huyện Sơn Dương và Yên Sơn. Đây từng là địa bàn chiến lược quan trọng, là nơi ở, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo cấp cao cùng nhiều cơ quan Trung ương; là "Thủ đô Khu Giải phóng" trong cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 và là "Thủ đô Kháng chiến" trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào gồm các địa danh nổi tiếng như đình Hồng Thái, lán Nà Nưa, đình Tân Trào, cây đa Tân Trào, cụm di tích ATK Kim Quan. Đây là những "địa chỉ đỏ” về giáo dục truyền thống không thể bỏ qua của du khách khi đến với Tuyên Quang. Với những giá trị lịch sử quan trọng như vậy, Tuyên Quang xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào trở thành một sản phẩm du lịch đặc biệt.
Mới đây tỉnh Tuyên Quang quyết định đầu tư 95 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương 90 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 5 tỷ đồng thực hiện Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi, phát huy giá trị Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Qua đó xây dựng Khu di tích trở thành trung tâm giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng của cả nước gắn với phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo cho người dân vùng căn cứ cách mạng. Dự án được thực hiện trong giai đoạn 2023 - 2025, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư. Theo đó, Dự án sẽ xây dựng và tôn tạo một số hạng mục như: hệ thống trưng bày Bảo tàng ATK Tân Trào, lán Hang Bòng, Hang Thia, di tích ATK - Kim Quan, lán Nà Nưa, Khấu Lấu - Vực Hồ, tôn tạo tổng thể hạ tầng kỹ thuật khu di tích, trồng cây xanh tạo cảnh quan; xây dựng nhà ở, làm việc và các hạng mục phụ trợ…
Nhờ có việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy liên tục giá trị các khu di tích lịch sử cách mạng, năm 2022 Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào đón hơn 750 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, chiếm khoảng gần 1/3 tổng lượng khách du lịch tới Tuyên Quang. Cho thấy du lịch về nguồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử cách mạng đang và sẽ vẫn là "xương sống" của ngành du lịch Tuyên Quang.
Ngoài Tân Trào, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa) mỗi năm đón khoảng 100 nghìn lượt khách tham quan. Khu di tích gồm 35 di tích, cụm di tích nằm trải trên địa bàn 4 xã: Kim Bình, Kiên Đài, Linh Phú, Vinh Quang (huyện Chiêm Hóa). Để bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của khu di tích Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã thực hiện dự án quy hoạch, đầu tư xây dựng và thiết kế kỹ thuật thi công phục hồi, bảo tồn, tôn tạo di tích, với tổng diện tích khu di tích hơn 14 ha, gồm phục hồi, tôn tạo 16 di tích: Nhà Hội trường họp Đại hội, nhà ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian Đại hội, Nhà bia tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ…
Ông Nguyễn Văn Nghĩa, khách du lịch từ Nghệ An đến Tuyên Quang khẳng định, ông đã đi du lịch nhiều nơi, nhưng thấy các khu di tích lịch sử cách mạng của tỉnh vẫn giữ được vẻ hoang sơ, giản dị, mộc mạc của vùng chiến khu xưa. Cụ thể xung quanh quần thể các di tích là bản làng đồng bào các dân tộc thiểu số với mái nhà sàn truyền thống, hệ thống rừng nguyên sinh đặc dụng vẫn còn xanh mướt. Các khu, điểm di tích được địa phương bảo tồn, tôn tạo, có hướng dẫn viên du lịch bài bản. Với cách làm này ông Nghĩa tin rằng, du lịch về nguồn của Tuyên Quang sẽ phát triển bền vững, riêng có, mang bản sắc địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết