Tranh vẽ Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Đại hội Quốc dân tại đình Tân Trào (Tuyên Quang).
Quốc dân Đại hội Tân Trào họp tại đình Tân Trào, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) từ ngày 16 đến ngày 17/8/1945 với sự tham dự của đại biểu đại diện cho các ngành, các giới, các dân tộc, các đảng phái chính trị, các đoàn thể cứu quốc và một số kiều bào ở nước ngoài. Tại Đại hội, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương Trường Chinh đọc báo cáo, trong đó nhấn mạnh hai vấn đề lớn: Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời). Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương lãnh đạo quần chúng nổi dậy tước vũ khí của Nhật, giành lấy chính quyền. Trên cơ sở đó, Đại hội đã tán thành chủ trương của Đảng và Tổng bộ Việt Minh, quyết định phát động Tổng khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng nổi dậy, giành chính quyền từ tay quân Nhật, thành lập Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, quy định về Quốc kỳ, Quốc ca và nhiều chiến lược quan trọng khác của cách mạng Việt Nam. 10 điểm trong chính sách của Việt Minh được đại hội thông qua như: Tiến hành võ trang nhân dân; Tịch thu tài sản của giặc và Việt gian sung công và chia cho dân nghèo... Chính sách 10 điểm cũng quyết định đem lại quyền phổ thông đầu phiếu, quyền tự do dân chủ và nhiều quyền khác liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân lúc bấy giờ.
Quốc dân Đại hội Tân Trào đã thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí của dân tộc Việt Nam quyết tâm thực hiện đường lối tổng khởi nghĩa, xóa bỏ chế độ nô dịch thực dân, phong kiến, đặt cơ sở pháp lý đầu tiên cho một chế độ mới. Phát huy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, khởi nguồn cho cách mạng Việt Nam giành thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Phát huy những giá trị lịch sử, tầm vóc của Quốc dân Đại hội Tân Trào, nhất là những bài học về phát huy ý chí, sức mạnh dân tộc, xây dựng chính quyền của dân, do nhân dân và vì nhân dân từ Quốc dân Đại hội Tân Trào, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực để xây dựng chính quyền phục vụ nhân dân luôn gần dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh trong cuộc sống của nhân dân. Đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã lãnh đạo tổ chức thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Đình Tân Trào, nơi diễn ra Quốc dân Đại hội.
Các cơ quan dân cử của tỉnh là Đoàn ĐBQH tỉnh và HĐND tỉnh cùng các đại biểu dân cử đã thể hiện tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, các đại biểu thực hiện tốt vai trò người đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của nhân dân. Đoàn ĐBQH tỉnh đã phát huy hiệu quả vai trò cầu nối, chuyển tải những ý kiến, kiến nghị của cử tri, những tồn tại, bất cập trong phát triển kinh tế - xã hội ở cơ sở đến Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương. Đặc biệt, trong quá trình hoạt động của mình, Đoàn ĐBQH tỉnh luôn bám sát thực tiễn ở địa phương để đề đạt với Trung ương nhiều nội dung quan trọng đến sự phát triển của tỉnh. Nổi bật như các chính sách giảm nghèo, chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ổn định đời sống cho đồng bào tái định cư; việc triển khai xây dựng Dự án đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai để tạo điều kiện cho tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh trong khu vực có động lực quan trọng phát triển.
HĐND tỉnh khóa XV đã bắt đầu bước vào nhiệm kỳ mới, với quyết tâm, nỗ lực lớn để đạt được mục tiêu mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, phấn đấu đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Tại kỳ họp thứ nhất, HĐND tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu đã nêu quyết tâm: Thường trực và lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh thường xuyên học tập, tu dưỡng, gương mẫu trong công việc, ra sức củng cố, thắt chặt mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, quan tâm giải quyết thấu đáo, đến cùng các kiến nghị, phản ánh của cử tri và nhân dân, với tinh thần “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, góp phần xây dựng chính quyền địa phương trong sạch, vững mạnh, liêm chính, phục vụ, thực sự “của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân”.
Chiến khu cách mạng năm xưa đang đổi thay từng ngày. Tự hào với truyền thống lịch sử, nơi ghi dấu những sự kiện quan trọng của lịch sử dân tộc, mỗi thế hệ người dân Tuyên Quang hôm nay đang tiếp tục ra sức thi đua, học tập, lao động sản xuất xây dựng quê hương, xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng.
Gửi phản hồi
In bài viết