Duy trì đà tăng trưởng
Theo báo cáo của Cục Thống kê tỉnh, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành với nhiều giải pháp linh hoạt, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, sự nỗ lực vượt khó của doanh nghiệp, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định.
Tính riêng trong tháng 8 vừa qua, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 7,81% so với tháng trước và tăng 5,01% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,78%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 1,5%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 9,8%; dệt tăng 16,5%; sản xuất trang phục tăng 50,9%; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa tăng 7,4%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 19,8%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 72,2% so với cùng kỳ năm trước... Tính chung 8 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 10.221 tỷ đồng, đạt 64,8% kế hoạch, tăng 28,2% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt 97,4 triệu USD, đạt 71,9%.
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư trao giấy chấp nhận đầu tư cho các doanh nghiệp vừa được tỉnh chấp thuận đầu tư.
Ở Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang), hàng nghìn công nhân vẫn rộn rã vào ca. Ông Nguyễn Hữu Khánh, Quản lý Văn phòng kiêm Trợ lý Tổng Giám đốc Công ty Seshin VN2 phấn khởi cho biết, đóng trên địa bàn “vùng xanh”, công ty có nhiều điều kiện để tập trung sản xuất, kinh doanh. Ngoài các bạn hàng truyền thống, công ty đang nhận gia công cho các công ty nằm trong vùng tâm dịch bị giãn cách. Hiện tại, công ty kết nối hỗ trợ 2 công ty may xuất khẩu tại Bình Dương sản xuất hàng may mặc. Từ tháng 4 đến nay, trung bình công ty sản xuất trên 1 triệu sản phẩm/tháng, con số kỷ lục chưa từng có; doanh thu đạt 46 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang thuộc Cụm công nghiệp Thắng Quân và Công ty cổ phần May Yên Sơn (Yên Sơn) hoạt động sản xuất, kinh doanh cơ bản vẫn được duy trì. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc sản xuất Công ty cổ phần Woodsland Tuyên Quang phấn khởi cho biết, hiện tại các nhà máy của công ty vẫn hoạt động bình thường, công xuất chế biến đạt 30.000 m3 gỗ tròn/tháng, tương đương với thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh, đảm bảo đủ lượng hàng xuất khẩu vào tập đoàn IKEA Thủy Điển-tập đoàn bán buôn, bán lẻ đồ gỗ lớn nhất châu Âu.
Trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội 8 tháng đạt trên 16.600 tỷ đồng, đạt 61,6% kế hoạch, tăng 9,2% cùng kỳ. Sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản cũng được duy trì khá tốt, diện tích lúa mùa gieo cấy đạt trên 20.000 ha. Hiện tại diện tích trà lúa mùa sớm, chính vụ đã thu hoạch, năng suất ước đạt trên 60 tạ/ha. Tổng đàn lợn trên 540 nghìn con, tăng 3,61% (tăng 18.975 con); đàn gia cầm đạt kỷ lục 6,5 triệu con, tăng 10,87% (tăng trên 638 nghìn con) so với cùng kỳ năm 2020.
Một tin mừng nữa, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã đón nhận 60 doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Điều đó cho thấy Tuyên Quang đã, đang và luôn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng nhờ triển khai linh hoạt các giải pháp thu ngân sách, do đó trong 8 tháng ước thực hiện 1.499 tỷ đồng, đạt 70,5% dự toán Bộ Tài chính giao, đạt 62,7% dự toán UBND tỉnh giao, tăng 24,3% so với cùng kỳ.
Không để “đứt gãy”
Từ nay đến cuối năm, Tuyên Quang tiếp tục đặt mục tiêu phòng, chống dịch Covid-19 lên hàng đầu, song hành với đó là nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng trên 8%/năm. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh đã chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội và ứng phó với dịch bệnh.
Công nhân Công ty TNHH Seshin VN2, Khu công nghiệp Long Bình An (TP Tuyên Quang) sản xuất hàng xuất khẩu.
Thực hiện Nghị quyết số 105/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19, ngày 11-9, UBND tỉnh vừa có văn bản số 3369/UBND-TH về việc tổ chức quán triệt, chủ động triển khai thực hiện các nội dung công việc theo chỉ đạo của Chính phủ. Theo đó tỉnh hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nhưng phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Trước đó, ngày 20-8, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh khẳng định, chưa biết khi nào kết thúc, do vậy, phải tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, làm tốt nhiệm vụ vừa chống dịch hiệu quả, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng khẳng định, là vùng xanh an toàn, đây chính là thời cơ vàng cho các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải biến nguy thành cơ, tập trung duy trì, mở rộng sản xuất, để khi dịch được kiểm soát, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao, các doanh nghiệp chủ động được sản phẩm hàng hóa trong khi nhiều nước mới bắt tay vào khôi phục sản xuất. Tỉnh thành lập một đường dây nóng để doanh nghiệp trực tiếp trao đổi, kiến nghị, đề xuất cùng tháo gỡ khó khăn đảm bảo mục tiêu vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch.
Cùng với đó, tỉnh sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư và giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án lớn, trọng điểm của tỉnh; theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân vốn đầu tư công các dự án, kịp thời điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án giải ngân chậm sang các dự án có nhu cầu bổ sung vốn, không để dồn điều chỉnh kế hoạch đầu tư vào cuối năm, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chung của tỉnh.
Tìm giải pháp tiêu thụ nông sản, giảm thiểu đến mức thấp nhất tổn thất do dịch bệnh gây ra, hàng loạt các chương trình phối hợp kích cầu tiêu thụ nông sản được thực hiện. Tiêu biểu là Chương trình “Kết nối nông sản, san sẻ yêu thương, cùng nhau vượt qua đại dịch”; “Người Tuyên Quang ưu tiên sử dụng nông sản Tuyên Quang”...
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, sự chung tay của các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã và của chính người nông dân xúc tiến rất tốt việc tiêu thụ nông sản, chưa ghi nhận nông sản bị dồn ứ, giảm giá trị. Từ nay đến cuối năm vào vụ thu hoạch cam, bưởi, đây là 2 loại sản phẩm có sản lượng lớn nhất, ngành đang phối hợp chặt chẽ với ngành Công Thương, Giao thông - Vận tải thực hiện các giải pháp kích cầu, thúc đẩy khâu vận chuyển. Trên cơ sở đó thực hiện kết nối với các sàn thương mại điện tử, xúc tiến ký kết lại hợp đồng với hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo ngay khi vào vụ, sản phẩm thu hoạch đến đâu được vận chuyển, tiêu thụ hết đến đó.
Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương tăng cường bám nắm cơ sở, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu về giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, tạo việc làm, giảm nghèo, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân.
Gửi phản hồi
In bài viết