Thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) được công nhận là đô thị loại V vào tháng 11-2020. Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Văn Tuấn là người cảm nhận rõ hơn ai hết những thay đổi ở đây khi chuyển từ làng, xã lên phố. Và cũng là người cảm nhận rõ nét những nét văn hóa truyền thống bản địa vẫn được giữ gìn sau gần 1 năm làng lên phố.
Ông Tuấn cho biết, với đặc thù là một phố núi vùng cao, trong phát triển, xây dựng đô thị, thị trấn luôn cố gắng bảo tồn, lưu giữ những điểm độc đáo, đặc sắc riêng có của địa phương, để mỗi người dân nhắc đến thị trấn Lăng Can là có thể hình dung ra ngay được.
Những nếp nhà sàn ở thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) được chỉnh trang, trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn.
Ví dụ như tên gọi các tổ nhân dân. Từ trước khi có quyết định công nhận là đô thị loại V, Lăng Can đã tổ chức họp, lấy ý kiến của nhân dân về tên gọi các tổ dân phố. Việc đồng bộ tên tổ thành số như ở các thị trấn khác, hay giữ nguyên tên gọi như cũ được người dân bàn luận sôi nổi. Và tất cả đều đồng thuận, giữ nguyên tên gọi như khi Lăng Can còn là xã. Ông Tuấn chia sẻ, việc giữ nguyên tên gọi không chỉ là cách để giảm bớt việc sửa chữa trên các giấy tờ liên quan, mà còn là cách để mỗi người dân Lăng Can, dù ở đâu, dù bao nhiêu năm nữa nhắc đến tên gọi ấy, vẫn biết, vẫn nhớ về nguồn cội. Những cái tên như Nặm Đíp, Làng Chùa, Bản Khiển, Bản Kè... giờ chỉ chuyển từ thôn sang tổ dân phố, ý nghĩa của nó với những người dân Lăng Can vẫn được giữ vẹn nguyên.
Là một đô thị non trẻ, với thành phần dân tộc chủ yếu là người Tày, Lăng Can tận dụng tối đa lợi thế này để phát triển du lịch - ngành kinh tế mới mẻ nhưng rất có tiềm năng, sức hút của địa phương. Những nếp nhà sàn hiện diện trong từng khu dân cư được thị trấn hướng dẫn người dân chỉnh trang, xây dựng thành các Homestay để làm du lịch cộng đồng; những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay được lựa chọn xây dựng thành điểm check-in “Con đường tình yêu trên sóng lúa”; Cọn nước - vật dụng trước đây bà con chỉ dựng lên để lấy nước vào ruộng đồng giờ cũng thành điểm nhấn trong du lịch; nghề dệt truyền thống của đồng bào Tày ở thị trấn cũng được khôi phục thành công, để tạo nên những món quà du lịch độc đáo, hấp dẫn cho du khách phương xa.
Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Can Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ, thị trấn Lăng Can đang từng bước xây dựng lên đô thị loại IV nhưng mục tiêu của địa phương là cùng với đồng bộ hạ tầng, thì việc lưu giữ những nét văn hóa đậm đà bản sắc vẫn sẽ được đặt lên hàng đầu, để thị trấn không lẫn mình trong hàng ngàn đô thị phố núi khác.
Chuyển từ xã lên phường, cuộc sống của người dân phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) cũng thay đổi dần. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp dần thu hẹp lại. Thế mạnh về du lịch, dịch vụ định hình rõ nét hơn. Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm Nguyễn Công Tĩnh cho biết, phường đã đánh giá, rà soát để quy hoạch phát triển phù hợp với hiện tại và định hướng tương lai gắn với quy mô vận hành của Khu vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng công cộng. Hiện phường đã quy hoạch phát triển khu dịch vụ ở tổ Cây Trám, tổ 17, tổ Nước Nóng và tổ Lâm Nghiệp bám trục Quốc lộ 37 là đại bản doanh của Khu du lịch. Cùng với quy hoạch khu dịch vụ, phường quy hoạch vùng chuyên canh 30 ha rau an toàn ở tổ Hang Hươu, Phú Lâm và 50 ha chè VietGAP ở các tổ Kim Phú, tổ 18 gắn với du lịch trải nghiệm, mở ra hướng làm giàu bền vững cho người dân. Ở những tổ dân phố này, Mỹ Lâm hướng dẫn, vận động các hộ dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trong đó khuyến khích hình thành những làng hoa, làng rau sạch, vườn chè thành điểm check-in hấp dẫn cho du khách.
Phường Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) đang chuyển mình theo hướng đồng bộ, hiện đại.
Theo Sở Xây dựng, trong thời gian tới, định hướng của tỉnh sẽ xây dựng Mỹ Lâm trở thành đô thị thông minh điểm của cả tỉnh. Ngay trong tháng 9, Mỹ Lâm cũng đang ra quân lập lại trật tự đô thị để người dân thay đổi từ những thói quen cũ khi tận dụng vỉa hè để buôn bán, đặt biển quảng cáo hay trồng rau màu, để vật liệu xây dựng... Thời gian đầu, phường tập trung vận động, tuyên truyền và cho người dân ký cam kết không vi phạm, sau đó mới bắt đầu ra quân quyết liệt để thay đổi thói quen, ý thức. Chỉ sau hơn 1 tuần ra quân, người dân đã cơ bản nghiêm túc thực hiện.
Chủ tịch UBND phường Mỹ Lâm Nguyễn Công Tĩnh cho biết, so với các đô thị mới của tỉnh, thì Mỹ Lâm có nhiều điều kiện, lợi thế hơn. Công cuộc chuyển dịch từ làng lên phố nhờ thế cũng thuận lợi hơn. Phường hiện có 11 tổ dân phố. Cũng như thị trấn Lăng Can, phố ở Mỹ Lâm vẫn mang tên làng xưa như Cây Trám, Nước Nóng, Lâm Nghiệp, Kim Phú... như một lời giới thiệu ngắn gọn với người nghe về lợi thế kinh tế của mỗi địa phương. Những nghề truyền thống như làm cơm lam, chế biến chè vẫn được người dân phường Mỹ Lâm lưu giữ lại. Đình làng, cổng làng ngày trước vẫn hiện hữu để những người con phương xa trở về cũng không thấy quá lạc lõng, đổi thay.
Các giá trị văn hóa truyền thống được lưu giữ, có chỗ đứng xứng đáng và góp phần tạo nên “nền móng” của một cấu trúc đô thị có bản sắc, hiện đại theo hướng phát triển bền vững. Nhờ những yếu tố này, các đô thị của Tuyên Quang trở nên hấp dẫn hơn, vừa năng động, hiện đại, nhưng vẫn đặc sắc, có vị thế và sức hút riêng.
Gửi phản hồi
In bài viết