Người dân dùng tiền mặt mua hàng tại chợ cổ thành phố Cần Thơ. (Ảnh lan Anh)
Từ giữa tháng 9, thành phố Cần Thơ triển khai mô hình "Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt" đầu tiên ở chợ An Thới (quận Bình Thủy). Cuối tháng 10, chợ cổ Cần Thơ trở thành "Chợ 4.0" thứ hai tại địa phương này. Trước đó, tại các địa phương như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Quảng Nam,... mô hình này đã được áp dụng rộng rãi. Thay vì sử dụng tiền mặt để mua bán như trước, giờ đây tiểu thương và khách hàng có thể mua bán hàng hóa bằng việc quét mã QR hoặc chuyển tiền qua ứng dụng trên điện thoại một cách nhanh chóng, an toàn và bảo mật.
Theo một số tiểu thương và người dân thường mua hàng tại các chợ nêu trên, thời gian đầu triển khai, họ đã cảm nhận được sự thuận tiện của phương thức thanh toán này. Chị Nguyễn Thị Nga (quận Bình Thủy) chia sẻ: "Tôi thường đi chợ vào các buổi sáng sớm, thay vì phải mang ví tiền, vừa cồng kềnh, vừa dễ mất cắp như trước đây thì nay chỉ cần cầm theo chiếc điện thoại thông minh. Nhiều món hàng ít tiền tôi cũng có thể mua được, không phải mang theo tiền lẻ như trước".
Mặc dù có những thuận lợi nhất định, nhưng theo ghi nhận của phóng viên tại một số "chợ 4.0", không phải người dân hay tiểu thương nào cũng mặn mà với mô hình này. Nhiều người chưa hiểu hoặc thành thạo phương thức thanh toán mới. Không ít tiểu thương và người dân cho rằng, việc thiếu quầy hướng dẫn sử dụng tài khoản và nộp tiền, rút tiền của các ngân hàng, công ty cung cấp dịch vụ tại chợ khiến họ lúng túng khi sử dụng dịch vụ.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nga, chủ một cửa hàng sửa quần áo ở chợ An Thới không có tài khoản ngân hàng và từ trước tới nay cũng chỉ mua bán bằng tiền mặt. Gần đây, bà được hướng dẫn mở tài khoản và nhận thanh toán trực tuyến. Tuy nhiên, phần vì cao tuổi, phần vì ngại thay đổi, đến nay, sau gần 2 tháng chợ An Thới triển khai mô hình này, bà Nga vẫn chưa biết sử dụng tài khoản ngân hàng. "Không chỉ tôi, hầu hết lao động nghèo hoặc người già, không biết sử dụng tài khoản ngân hàng, nhiều người hiện nay vẫn dùng điện thoại "cục gạch" thì làm sao cài đặt được ứng dụng điện thoại? Chưa kể, số tiền thanh toán các mặt hàng nhiều nhất chỉ vài chục nghìn đồng, việc chuyển khoản cũng không cần thiết", bà Nga cho biết.
Tại chợ cổ thành phố Cần Thơ, khi đề nghị được thanh toán sản phẩm qua mã QR, nhiều chủ cửa hàng phải vào trong gian hàng lục tìm mãi mới ra tấm bảng có in mã của cửa hàng. "Chúng tôi chả mấy khi xài tới cho nên cất vào cho khỏi mất. Ở đây sát bến Ninh Kiều, chủ yếu phục vụ khách nước ngoài mà tài khoản của họ không thanh toán trực tuyến được tại Việt Nam. Đã có trường hợp loay hoay mãi mới đổi được ngoại tệ ra tiền Việt Nam để mua hàng.
Khách trong nước phần lớn cũng chỉ thanh toán tiền mặt cho tiện vì chưa tạo thành thói quen và e ngại thỉnh thoảng tài khoản ngân hàng gặp lỗi. Trước đây chúng tôi cũng có máy quẹt thẻ nhưng gần như không dùng đến cho nên đã trả lại ngân hàng", anh Vũ, chủ một cửa hàng bán đồ lưu niệm tại chợ cổ thành phố Cần Thơ chia sẻ.
Theo lãnh đạo Sở Công thương thành phố Cần Thơ, việc triển khai mô hình "Chợ 4.0 - Thanh toán không dùng tiền mặt" thực hiện đúng theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân thành phố về đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số. Đây cũng là xu hướng tất yếu trong quá trình phát triển kinh tế, giúp giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt lưu thông.
Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đối mặt không ít khó khăn. Thí dụ, thu nhập của người dân đồng bằng sông Cửu Long tương đối thấp, tâm lý sử dụng tiền mặt để chi trả, thanh toán đã thành thói quen. Bà Nguyễn Minh Thu Thủy, Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương thành phố Cần Thơ) cho biết, việc thay đổi tập quán sử dụng tiền mặt của người dân cần thời gian, phải thực hiện từng bước.
Dù ở Cần Thơ thu nhập trung bình cao hơn các địa phương khác trong vùng, nhưng tại các quận, huyện vẫn khó thuyết phục người dân sử dụng phương thức thanh toán số.
Theo một số chuyên gia tài chính, tại các nước Đông Nam Á và đặc biệt là Việt Nam, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt có tiềm năng phát triển mạnh mẽ nhờ dân số trẻ, tỷ lệ sử dụng thiết bị di động và internet cao. Vì thế, mô hình chợ 4.0 là hết sức thiết thực. Tuy nhiên, để áp dụng rộng rãi, cần có sự chung tay của cả cơ quan quản lý cũng như ngân hàng thương mại.
Các ngân hàng cần hoàn thiện, nâng cấp hệ thống thanh toán để cung ứng dịch vụ một cách thuận tiện, hiệu quả; đẩy mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán (POS) và áp dụng các công nghệ, phương thức thanh toán hiện đại như QR Code, thanh toán di động (Mobile Payment), phát triển thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa gắn với Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện tại Việt Nam,... Các cơ quan quản lý địa phương như Sở Công thương, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, dần đưa hoạt động sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen trong xã hội.
Triển khai thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ dừng lại ở loại hình kinh doanh chợ, mà định hướng sẽ ưu tiên cho các cơ sở, hộ kinh doanh, cửa hàng tạp hóa tại các địa phương, địa điểm ăn uống,... Với những người dân không đủ điều kiện kinh tế sử dụng các thiết bị thông minh, chính quyền cần hợp tác trao đổi, đề nghị doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và sản phẩm điện thoại thông minh hằng năm hỗ trợ ưu đãi mua sắm sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân thu nhập thấp có thể mua hàng...
Gửi phản hồi
In bài viết