Giảng viên, sinh viên Khoa Công nghệ sinh học (Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh) nghiên cứu tại phòng thí nghiệm.
Những thành công bước đầu
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, tính đến tháng 3-2023, thành phố có 134 phòng thí nghiệm phân tích chất lượng sản phẩm công nghệ sinh học thuộc nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, thực phẩm, dược phẩm, môi trường… Những phòng thí nghiệm này được xây dựng đồng bộ, hiện đại, bước đầu đáp ứng nhu cầu nghiên cứu phát triển.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Kim Huệ thông tin, trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung tâm Công nghệ sinh học, Khu nông nghiệp công nghệ cao cùng một số đơn vị nghiên cứu đã chọn tạo được nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới. Trong lĩnh vực thủy sản, thành phố tập trung nghiên cứu tạo giống cá cảnh quý hiếm, có giá trị. Trong lĩnh vực y dược, một số hoạt chất từ thực vật, cây thuốc hướng đến phát triển các chế phẩm ứng dụng trong điều trị bệnh bước đầu đã được triển khai hiệu quả trong sản xuất và thương mại như: Curcumin từ nghệ, EGCG từ trà xanh; Vincristin, Vinblastin, Navelbin làm thuốc chống ung thư; Alfuzosin làm thuốc điều trị u xơ tuyến tiền liệt...
Một trong những công trình nghiên cứu điển hình là nghiên cứu công nghệ sinh học chỉnh sửa hệ gen tạo giống kháng vi rút gây bệnh trên cây trồng, do Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng cùng các cộng sự thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh triển khai, ứng dụng thành công trên cây dưa leo.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Dũng cho biết: “Cây dưa leo mang lại giá trị kinh tế cao và phù hợp với chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nông nghiệp đô thị của thành phố Hồ Chí Minh. Trung bình mỗi héc ta trồng dưa leo có thể mang về lợi nhuận từ 40 đến 50 triệu đồng/vụ (mỗi năm trồng 4-5 vụ). Tuy nhiên, loại cây này rất dễ bị nhiễm các loại vi rút gây bệnh, dẫn tới giảm năng suất và chất lượng”.
Kết quả là nhóm nghiên cứu đã lần đầu tiên ứng dụng công nghệ chỉnh sửa gen CRISPR/Cas9, tạo lập thành công quy trình chỉnh sửa gen eIF4E kháng vi rút gây bệnh trên cây dưa leo. Đây là tiền đề quan trọng phục vụ cho giảng dạy, ứng dụng công nghệ mới và nghiên cứu tạo ra giống dưa leo mới ít bị bệnh hơn, phục vụ sản xuất.
Tăng cường liên kết, phối hợp
Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, để tiếp tục phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học, thành phố phải tiếp tục triển khai nhiều nhiệm vụ. Nổi bật trong số đó là tăng cường tạo lập cơ sở vật chất, tăng liên kết, phối hợp đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học theo hướng hiện đại. Cùng với đó, phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghệ sinh học.
Mới đây, Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh (HCMBIOTECH) và Viện Công nghệ hóa học (ICT) đã ký kết hợp tác. Tiến sĩ Nguyễn Đăng Quân, Giám đốc HCMBIOTECH, chia sẻ: “Hai bên sẽ hợp tác chặt chẽ trong nghiên cứu khoa học về công nghệ tế bào, vật liệu sinh học. Phối hợp thử nghiệm lâm sàng những sản phẩm từ tế bào, vật liệu sinh học, quy trình công nghệ ứng dụng trong trị liệu; hợp tác chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tế cuộc sống”.
Về tạo nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao nói chung và công nghệ sinh học nói riêng, Thạc sĩ Lê Trung Cang và Thạc sĩ Trần Bá Thọ (Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh) đã có một nghiên cứu chi tiết tại 10 trường đại học từ năm 2020. Theo đó, đội ngũ giảng viên, chuyên gia công nghệ cao của thành phố cần phải được bổ sung, tăng cường, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cụ thể, lượng sinh viên các ngành Công nghệ cao tuyển sinh năm 2020 lên đến hàng trăm nghìn em (riêng Công nghệ sinh học là 25.000 em). Nhưng trong tổng số 5.094 giảng viên cơ hữu của các trường, chỉ có khoảng 29,9% người đúng chuyên ngành công nghệ cao (gồm 11 giáo sư, 97 phó giáo sư, 270 tiến sĩ và 694 thạc sĩ), chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nhân lực cao. Nhiều doanh nghiệp trong Khu công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh phải đào tạo lại cho nhiều sinh viên mới ra trường...
Với thực tế này, nhóm nghiên cứu đề xuất một mặt, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo cần tăng cường phối hợp tuyển sinh, đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng. Mặt khác, thành phố cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế thu hút nhân tài trong các lĩnh vực công nghệ cao, đáp ứng nguồn lực phát triển.
Về định hướng chỉ đạo, Phó Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hồ Hải nhấn mạnh: “Thành phố đang hoàn thiện dự thảo Chương trình hành động của Thành ủy triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TƯ ngày 30-1-2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. Mục tiêu là phấn đấu đưa thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm nghiên cứu, sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, dẫn đầu cả nước và vươn tầm thế giới. Xây dựng ngành Công nghiệp sinh học thành một trong những ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của thành phố”.
Gửi phản hồi
In bài viết