Phát huy trí tuệ toàn dân tham gia góp ý dự thảo Luật đất đai (sửa đổi)

- Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được lấy ý kiến sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh từ ngày 3-1 đến ngày 15-3. Việc lấy ý kiến vào dự thảo luật quan trọng này được các địa phương, sở, ngành chức năng triển khai nghiêm túc đảm bảo chất lượng, khoa học, đồng bộ, khả thi; phản ánh ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân và đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Để đảm bảo thực hiện đúng mục đích, yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), tỉnh ta đã triển khai việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo luật để đạt kết quả cao nhất. Theo đó, UBND  tỉnh đã ban hành kế hoạch chi tiết, chỉ đạo các cấp các ngành, các địa phương tổ chức lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Trong đó, tập trung vào 10 vấn đề trọng tâm của dự thảo Luật như: về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; về người sử dụng đất, hộ gia đình sử dụng đất; căn cứ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; việc sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thông qua việc thỏa thuận về quyền sử dụng đất; việc cho phép chuyển nhượng, thế chấp quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm; nguyên tắc xác định giá đất, bảng giá đất, giá đất cụ thể; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.

HĐND tỉnh góp ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tại huyện Yên Sơn, để đảm bảo việc lấy ý kiến góp ý được đảm bảo, UBND huyện đã thành lập Tổ giúp việc về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các ý kiến góp ý trực tiếp bằng bản giấy hoặc thư điện tử gửi đến qua đường Bưu điện UBND các xã, thị trấn hoặc gửi trực tiếp đến Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện. Đối với các cơ quan đơn vị, huyện chỉ đạo việc lấy ý kiến bằng các hình thức hội nghị, hội thảo, tọa đàm hoặc tự nghiên cứu lấy ý kiến trong ngành, cơ quan, đơn vị... Các ý kiến góp ý đều được tổng hợp gửi về UBND huyện để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Ông Cao Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã cho biết: thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã triển khai lấy ý kiến góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Các Hợp tác xã đã tham gia góp ý liên quan đến các nhóm vấn đề như: quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất; quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế khi giải thể, phá sản; điều kiện chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; về góp vốn bằng quyền sử dụng đất; thời hạn cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp của xã, phường, thị trấn; về chính sách hỗ trợ hợp tác xã nông nghiệp; hộ gia đình sử dụng đất. Đồng thời, một số hợp tác xã cũng đề nghị bổ sung thêm quy định miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho hợp tác xã nông nghiệp để xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ sơ chế, chế biến, thương mại nông sản.

Ông Nguyễn Văn Bưởi, Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 5, phường Ỷ La (thành phố Tuyên Quang) cho biết: tổ dân phố đã gửi nội dung lấy ý kiến lên nhóm zalo của tổ để tất cả mọi người dân nghiên cứu, tham gia ý kiến. Các ý kiến góp ý gửi bằng văn bản được tổ tổng hợp chuyển lên UBND phường. Qua tổng hợp cho thấy, nhân dân trên địa bàn quan tâm nhiều nhất những nội dung tác động trực tiếp như: các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trình tự, thủ tục thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai; quy định giá đất...

Việc tỉnh, huyện có kế hoạch chi tiết về tổ chức lấy ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) giúp các địa phương thuận lợi trong việc triển khai đến nhân dân. Đặc biệt là những nội dung trọng tâm trong việc tham gia ý kiến, giúp người dân tham gia được nhiều ý kiến chất lượng, nhất là những bất cập nảy sinh từ cơ sở. Ông Mai Tiến Đường, Bí thư Chi bộ thôn Hội Tân, xã Ninh Lai (Sơn Dương) cho biết: tại thôn ông, sau khi triển khai lấy ý kiến, bà con đều mong muốn có thêm những quy định cụ thể hơn về việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Theo ông Đường, người dân trong thôn, trong xã rất phấn khởi, khi được trực tiếp góp ý kiến của mình xây dựng dự án Luật, mong rằng Luật sửa đổi sẽ khắc phục những tồn tại, bất cập lâu nay và sớm đi vào cuộc sống.

Đồng chí Ma Thị Thúy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh chia sẻ: việc lấy ý kiến đóng góp của người dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) là để phát huy quyền làm chủ thực sự của nhân dân, đặt người dân vào vị trí trung tâm, nhằm hướng đến đảm bảo quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân về đất đai mà Luật đất đai là cơ sở pháp lý để thực hiện quyền cơ bản ấy.

Mặt khác, Luật Đất đai là đạo luật quan trọng, có mối quan hệ và ảnh hưởng sâu sắc đến việc thực thi các chính sách được quy định trong rất nhiều luật khác, trong đó người dân là chủ thể chịu sự tác động nhiều nhất, do đó việc lấy ý kiến toàn dân đối với Dự thảo Luật này vừa thể hiện sự tôn trọng quyền chủ sở hữu toàn dân đối với đất đai, vừa huy động được trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, từ đó tạo sự thống nhất, đồng thuận, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân đối với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về đất đai, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của hệ thống pháp luật.

Bài, ảnh: Ngọc Hưng

Tin cùng chuyên mục