Phát huy truyền thống nghĩa tình

- Thời gian qua, các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực phát huy truyền thống "Đoàn kết, trách nghiệm, nghĩa tình, vì nạn nhân chất độc da cam" để giúp đỡ hội viên. Bằng những hoạt động cụ thể, thiết thực, nhiều hội viên trên địa bàn đã được tiếp sức vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Thấu hiểu những khó khăn, thiệt thòi, mất mát của nạn nhân da cam, các cấp hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan ban ngành, đoàn thể về hậu quả của chất độc hóa học da cam/dioxin, những nỗi đau mà chất độc hóa học gây ra cho nhiều gia đình, nhiều thế hệ. Từ đó khơi dậy sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội trong việc xoa dịu nỗi đau da cam.

Ông Nguyễn Mạnh Sâm, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 3.018 hội viên. Nạn nhân đang được hưởng chế độ là 2.500 người trong đó nạn nhân trực tiếp là 1.846 người, nạn nhân gián tiếp là 654 người. Nhằm làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ hội viên, Hội đã thành lập 7 hội cấp huyện, 82 hội và 22 chi hội cấp xã. Các hội, chi hội thường xuyên nắm tình hình của các hội viên, rà soát người tham gia kháng chiến trong vùng bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học, hướng dẫn nạn nhân giám định sức khỏe, đề nghị hưởng trợ cấp theo quy định của Nhà nước.

Hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin thị trấn Yên Sơn (Yên Sơn) chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế.

Chỉ tính riêng trong "Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam năm 2023", cấp ủy, chính quyền, Ủy ban MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, nhà hảo tâm, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã trao tặng trên 2.500 suất quà cho nạn nhân da cam, với tổng trị giá trên 429 triệu đồng.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cũng phối hợp với Tập đoàn Bảo vệ sức khỏe Hưu trí Quốc gia Việt Nam, Phòng khám Đa khoa Việt - Đức tổ chức khám sức khỏe cho 597 nạn nhân trên địa bàn huyện Sơn Dương, Yên Sơn và Hàm Yên. Đặc biệt, Ban Dân vận Trung ương cùng Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cũng đã hỗ trợ 50 triệu đồng làm nhà cho hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tặng 50 suất quà trị giá 60 triệu đồng. Qua đó thể hiện sự quan tâm, động viên của các cấp, các ngành cùng toàn xã hội trong việc khắc phục hậu quả, sẻ chia mất mát do nỗi đau da cam gây ra.

Song song với các hoạt động thăm hỏi, động viên của các cấp ủy, chính quyền, nhà hảo tâm, các cấp hội, chi hội cũng thể hiện nghĩa tình đồng đội bằng những hoạt động cụ thể như thăm hỏi hội viên lúc ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo, tặng quà hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong dịp Tết nguyên đán, chia buồn, phúng viếng nạn nhân qua đời… Các hội, chi hội cấp xã, phường cũng thành lập Quỹ "Vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin" vừa để thăm hỏi nạn nhân, vừa tạo nguồn vốn luân chuyển cho các hội viên vay để phát triển kinh tế.

Ông Hoàng Tiến Vượng, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) nói, phát huy vai trò của tổ chức hội, với bản chất bộ đội Cụ Hồ, các hội viên luôn nỗ lực vượt qua nỗi đau bệnh tật, cố gắng vươn lên phát triển kinh tế, gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào yêu nước tại địa phương. Hội đã thành lập và duy trì quỹ hội với số tiền 85 triệu đồng để thăm hỏi, động viên, tặng quà cho các nạn nhân da cam và cho các hội viên vay để phát triển kinh tế. Nhờ đó, đời sống của nạn nhân và gia đình nạn nhân da cam ngày một cải thiện.

Giữa tháng 9-2023, "Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin" tỉnh Tuyên Quang đã được thành lập nhằm vận động các đơn vị, tổ chức, nhà hảo tâm quyên góp, ủng hộ, chung sức sẻ chia khó khăn với nạn nhân nhiễm chất độc hóa học da cam/dioxin. Đến nay số tiền quyên góp đã đạt trên 500 triệu đồng. Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Nguyễn Mạnh Sâm nhấn mạnh, đây sẽ là nguồn động viên to lớn để giúp xoa dịu nỗi đau da cam, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân tiếp tục vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Thùy Lê

Tin cùng chuyên mục