Quản lý một bệnh viện đa khoa tư nhân lớn của tỉnh, bác sỹ chuyên khoa II Nguyễn Văn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc luôn trăn trở công tác chuyên môn, lẫn công tác điều hành. Mục tiêu là chất lượng dịch vụ y tế và giá cả phải tốt nhất. Như vậy, ngoài tay nghề không ngừng được nâng cao của đội ngũ y bác sỹ, việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số phải được ưu tiên hàng đầu. Trước kia để đảm bảo an ninh cho một bệnh viện lớn, các bệnh viện phải thuê một đội vệ sỹ mấy chục người, chia tổ nhóm, ca kíp rất kồng kềnh và tốn kém.
Qua nghiên cứu, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt trên 350 camera chất lượng, được đấu nối với trung tâm giám sát. Lúc đầu ai cũng nghĩ, camera thì không thể bằng con người, liệu an ninh của bệnh viện có được bảo đảm. Qua vận hành bệnh viện từ năm 2019 đến nay, an ninh của Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc rất đảm bảo. Đã có một số kẻ xấu tinh vi đột nhập vào bệnh viện để ăn trộm, nhưng với sự giám sát của hệ thống camera, kẻ trộm đã bị phát hiện và xử lý kịp thời. Riêng phần gửi xe máy, xe đạp khách hàng tự giác, miễn phí không phải lấy vé, nhưng mọi việc rất ngăn nắp, quy củ, camera an ninh giám sát tối đa, khiến ai cũng an tâm. Do ít đội ngũ bảo vệ, ngoài giúp cho bệnh viện giảm được chi phí nhân sự, mà người bệnh, người nhà bệnh nhân đi lại thấy thông thoáng, thoải mái, ít căng thẳng hơn. Việc chuyển đổi trong bảo đảm an ninh của Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc đã cho thấy sự thay đổi tư duy, cách làm truyền thống, mà người đứng đầu có vai trò quyết định.
Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc tích cực trong chuyển đổi số, áp dụng trang thiết bị hiện đại vào khám, chữa bệnh.
Một trong những doanh nghiệp tích cực, quyết liệt trong chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh là Công ty Điện lực Tuyên Quang. Để có được sự chuyển biến, tạo thuận lợi nhất cho khách hàng phải nói đến vai trò của người thuyền trưởng, Giám đốc Công ty Hà Huy Tâm. Bởi anh thấy hàng năm Điện lực Tuyên Quang chi rất nhiều ngày công, tiền bạc cho việc ghi công tơ điện, viết hóa đơn, thu tiền điện. Sau khi bàn bạc trong Ban Giám đốc, các phòng kỹ thuật, Giám đốc Hà Huy Tâm quyết tâm phải làm “một cuộc cách mạng” chuyển đổi số.
Theo anh Tâm, không chuyển đổi số thì vẫn giậm chân tại chỗ, chất lượng dịch vụ không được nâng lên. Chuyển đổi số chắc chắn sẽ thay đổi một quy trình mà Công ty Điện lực Tuyên Quang vẫn áp dụng từ trước đến nay. Đầu tiên công ty đã thay thế và chuyển đổi dần công tơ cơ khí thành công tơ điện tử có kết nối với hệ thống đọc từ xa. Công nhân không phải người vác thang, người cầm sổ đi ghi thủ công từng công tơ như trước. Khi có số liệu điện tử nhanh, chính xác, giúp công ty làm hóa đơn điện tử kịp thời. Việc thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt được đẩy mạnh, khách hàng có thể thanh toán tiền điện qua ATM, Internet Banking, ví điện tử. Do có hồ sơ điện tử, khách hàng có thể tra cứu thông tin, bảo đảm công khai, minh bạch, công ty thì giải phóng được kho lưu trữ hồ sơ hợp đồng bằng giấy khổng lồ...
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị vào cuộc đã có bước chuyển mạnh mẽ trong chuyển đổi số, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cũ, mang lại hiệu quả tích cực trong thực hiện nhiệm vụ. Chị Đỗ Thu Hương, Giám đốc Thư viện tỉnh luôn có những tham mưu, đề xuất với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh đẩy mạnh chương trình số hóa trong hoạt động Thư viện tỉnh. Thư viện tỉnh đã từng bước xây dựng thư viện số, những loại sách cổ, sách quý được nhân viên thư viện số hóa. Điều này tránh được hư hỏng sách, mà nhiều bạn đọc có thể tiếp cận tư liệu sách cùng một lúc, hơn nữa chia sẻ với hệ thống thư viện cấp huyện được dễ dàng. Việc áp dụng công nghệ thông tin, nền tảng mạng internet, trí tuệ nhân tạo vào việc tìm đầu mục sách cũng được triển khai. Bạn đọc không phải mất quá nhiều thời gian cho việc tìm “tích kê” đầu sách theo phương pháp truyền thống.
BCH Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Nghị quyết số 48-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đã xác định đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số là một trong những giải pháp đột phá góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Thay đổi nhận thức, thay đổi cách làm của người đứng đầu là yếu tố quyết định để thực hiện chuyển đổi số. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực chuyển đổi số, nếu người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp có nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số thì cơ quan, doanh nghiệp đó đã thực hiện thành công hơn 50% nội dung chuyển đổi số.
Gửi phản hồi
In bài viết