Gia đình anh Đào Văn Xuân, thôn 4, xã Trung Trực (Yên Sơn) trồng 4 ha chuối tây, những vụ trước, chuối quả có giá từ 5.000 -7.000 đồng/kg, mỗi tháng trừ chi phí anh thu lãi 15 triệu đồng. Thế nhưng từ năm 2020 đến nay, các đầu mối thu mua chuối xuất khẩu qua đường tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc dừng do dịch bệnh Covid-19, giá chuối quả giảm đột ngột, thị trường tiêu thụ gặp khó. Anh Xuân cho biết, giá chuối quả hàng hóa (chọn lọc) bán vào ngày rằm, mùng 1 mới chỉ được 1.500 - 2.000 đồng/kg. Giá quá thấp, trừ công thuê người thu hoạch, vận chuyển, gia đình không còn lãi nên nhiều diện tích trên đồi cao đành để chín thối. Hiện anh Xuân đã phá khoảng 2 ha chuối để chuyển sang trồng rừng.
Chuối tây của người dân xã Kiến Thiết (Yên Sơn) đến kỳ thu hoạch nhưng rất khó khăn để tiêu thụ.
Người trồng chuối tây tại các xã Kiến Thiết, Xuân Vân… của huyện Yên Sơn cũng đang gặp khó khi giá chuối đang chạm đáy. Mỗi kg chuối chỉ còn chưa đầy 2.000 đồng/kg loại to. Qua nắm bắt tình hình thực tế, lãnh đạo xã Kiến Thiết nhận định, nếu không có giải pháp căn cơ để kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, người dân sẽ phá bỏ hoàn toàn gần 100 ha cây chuối tây để chuyển đổi sang cây trồng khác.
Rất nhiều diện tích chuối tây ở các xã Tri Phú, Linh Phú, Vinh Quang, Kim Bình (Chiêm Hóa) người dân phải bỏ hoang, không chăm sóc dẫn đến sâu, bệnh hại mà nguyên nhân cũng vì chuối quả quá rẻ. Ông Ma Phúc Khứu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chiêm Hóa cho rằng, từ một cây đem lại lợi nhuận kinh tế lớn thì giờ chuối phải đào bỏ do không tiêu thụ được.
Tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 2.173 ha chuối (diện tích cho thu hoạch 1.944 ha), tập trung chủ yếu tại các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn và Sơn Dương. Thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm chuối quả chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Từ khi dịch bệnh Covid -19 xuất hiện, thị trường tiêu thụ khó khăn, sản phẩm chuối quả tiêu thụ chậm, giá bán giảm, nhiều vườn đã bỏ không chăm sóc, không thu hoạch cùng với đó một số diện tích chuối trồng nhiều năm nên đã già cỗi. Không được đầu tư chăm sóc đúng kỹ thuật, nhiều vườn, đồi chuối phát sinh sâu bệnh gây hại như bệnh vàng lá, bệnh héo rũ, bệnh do virus gây khảm lá, chùn ngọn; sâu đục thân gây hại.
Trước thực trạng đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn, Sơn Dương phối hợp chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã tăng cường đội ngũ cán bộ khuyến nông xuống thôn, bản hướng dẫn nhân dân chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại chuối; khoanh vùng diện tích chuối bị nhiễm sâu, bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả không để sâu bệnh phát sinh thành dịch.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để cây chuối không rơi vào tình trạng như một số cây trồng khác, Sở yêu cầu các địa phương có truyền thống phát triển cây chuối chỉ mở rộng diện tích khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; đưa cây chuối vào quy hoạch sản xuất của địa phương, phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách và thành lập các tổ nhóm, hợp tác xã liên kết trồng, tiêu thụ chuối. Những diện tích chuối có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm thực hiện cung ứng theo đúng yêu cầu với đơn vị ký liên kết, tránh để xảy ra tình trạng tranh mua, tranh bán phá vỡ cam kết; quản lý chặt chẽ nguồn gốc, chất lượng giống chuối đưa vào trồng trên địa bàn. Sở giao Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản, thủy sản, khuyến nông xây dựng mô hình sản xuất, thâm canh, gắn với cấp mã số vùng trồng, đáp ứng tiêu chuẩn, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm ở thị trường nội địa và xuất khẩu. Các địa phương vùng chuối và người trồng chuối chủ động liên kết, mời gọi, tạo cơ chế để khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm chuối theo kế hoạch nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro từ thị trường mang lại.
Gửi phản hồi
In bài viết