Phó Giám đốc Sở Công thương Lộc Kim Liễn cho biết, nhằm thu hút đầu tư một cách hiệu quả cho hạ tầng thương mại, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện hàng loạt các giải pháp, cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào xây dựng hạ tầng thương mại, thông qua việc ưu tiên dùng quỹ đất để quy hoạch và khuyến khích, huy động các nguồn vốn xã hội hóa. Qua đó, đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn tham gia vào phát triển hạ tầng thương mại của tỉnh. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại ngày càng gia tăng theo hướng hiện đại hóa.
Công ty cổ phần Khoáng sản Tuyên Quang là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực kinh doanh hệ thống siêu thị bán lẻ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung vào xây dựng hệ thống bán lẻ hàng hóa trong các cửa hàng, siêu thị. Hiện ngoài Siêu thị Tuyên Quang tại thành phố, doanh nghiệp này đã xây dựng thêm nhiều siêu thị bán lẻ hàng hóa tại Sơn Dương, Hàm Yên… Các nhóm hàng phong phú, đa dạng, có chất lượng, trong đó ưu tiên hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam theo đúng tinh thần Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã góp phần thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng trên địa bàn.
Người dân mua sắm tại Trung tâm thương mại Vincompalza Tuyên Quang.
Sau Siêu thị Tuyên Quang, là sự ra đời của một loạt các siêu thị khác, với nhiều mặt hàng kinh doanh, như Siêu thị điện máy Vũ Công, Siêu thị Khai Hoa, Siêu thị điện máy Hưng Hoa, Siêu thị Sách và Thiết bị trường học và Trung tâm thương mại Vincomplaza Tuyên Quang.
Cùng với đó, tại nhiều tuyến phố, khu dân cư đông đúc cũng dễ dàng tìm thấy đa dạng chuỗi cửa hàng tiện lợi, mô hình tạp hóa mới... đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân trên địa bàn thành phố, như Siêu thị Vinmart Tuyên Quang, các Siêu thị điện máy như Thế giới di động, Điện máy xanh, Media Mart…
Hệ thống 99 chợ truyền thống trải dài trên địa bàn 7 huyện, thành phố cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp và chuyển đổi mô hình quản lý phù hợp. Chỉ trong 10 năm qua, đã có 82,2 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn trung ương, địa phương và các nguồn vốn hợp pháp khác… để cải tạo, nâng cấp và xây mới các chợ truyền thống. Nhờ thế, đã có 112/124 xã đạt tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều địa phương như Sơn Dương, Chiêm Hóa… đang tập trung chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ UBND các xã sang các doanh nghiệp, hợp tác xã cho phù hợp.
Trong thời gian tới, để hạ tầng thương mại ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Trên cơ sở rà soát quá trình triển khai quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ và căn cứ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, tỉnh sẽ tăng cường các cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư, nâng cấp hạ tầng hệ thống thương mại trong một chiến lược phát triển tổng thể… Cùng với đó, tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực thương mại, thu hút nhiều dự án có quy mô lớn. Đồng thời, phối hợp với ngành Nông nghiệp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xây dựng nghị quyết về cơ chế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp hàng hóa và sản phẩm OCOP trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có gắn với hoạt động cải tạo, nâng cấp hạ tầng chợ nông thôn.
Những giải pháp này nhằm từng bước hình thành hệ thống hạ tầng thương mại đồng bộ, hiện đại, phát triển nhiều loại hình dịch vụ chất lượng cao và đặc biệt, có sự gắn kết giữa người sản xuất với người kinh doanh.
Gửi phản hồi
In bài viết