Ấn tượng những con đường
Kim Phú là xã mới được sáp nhập từ huyện Yên Sơn về thành phố Tuyên Quang từ đầu năm 2020. Tuy mới sáp nhập về thành phố nhưng xã đã nhanh chóng nắm bắt chủ trương hỗ trợ xi măng từ Nghị quyết 01 của HĐND thành phố để bê tông hóa những tuyến đường liên thôn, liên tổ. Thực hiện phương châm “Nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”, trong đó Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân đóng góp cát, sỏi, ngày công và kinh phí, toàn xã đã làm được hơn 8,7 km đường bê tông ngõ thôn, xóm. Là một trong những xã làm nhiều đường bê tông nhất của thành phố trong năm 2020.
Cán bộ, nhân dân thôn 12, xã Kim Phú phấn khởi khi có tuyến đường bê tông rộng rãi.
Suốt từ đầu Quốc lộ 37 vào thôn là tuyến đường bê tông phẳng, rộng, sạch sẽ. Nhà cao tầng san sát, khang trang. Dẫn chúng tôi đi tham quan con đường, Bí thư Chi bộ thôn 12 Hoàng Lương Điều mừng rỡ bảo: “Tuyến đường dài 500 m này là đường liên thôn nối Quốc lộ 37 cũ với Quốc lộ 37 mới, giáp ranh với xã Hoàng Khai (Yên Sơn). Trước đây là đường bê tông rộng 3 m nhưng nhiều đoạn đã xuống cấp trầm trọng. Những ngày mưa, nước ứ đọng gây ngập úng, khiến nhiều xe bị chết máy, rất bất tiện cho việc đi lại của người dân ở khu dân cư. Nhưng từ khi được nâng cấp rộng 4 m, dày 20 cm, tuyến đường này như trở thành trục chính. Các phương tiện qua lại khá đông. Đường rộng, 2 ô tô tránh nhau thoải mái. Lũ trẻ đi học thuận tiện hơn. Người dân vận chuyển hàng hóa, nông sản dễ dàng hơn hẳn. Các cửa hàng dịch vụ cứ thế phát triển, tạo thêm sự nhộn nhịp cho khu dân cư.
Gặp bà Lê Thị Phương, ngoài 50 tuổi đang lúi húi làm vườn, tôi hỏi về cảm nhận của bà khi con đường bê tông được nâng cấp rộng rãi. Không giấu được niềm vui, bà bảo, đoạn đường này trước đây chỉ rộng
2 m. Một bên là ruộng, một bên là vườn có bờ rào thép gai. Các hộ nằm sâu bên trong có muốn chở vật liệu xây dựng là vất lắm. Có khi phải thuê công nông chở vào vì ô tô tải đi vào dễ lọt bánh xuống ruộng như chơi. Khi thôn có chủ trương nâng cấp con đường thì gia đình bà rất ủng hộ. Không chỉ đóng hơn 6 triệu đồng để làm đường, gia đình bà còn không ngần ngại hiến gần 80 m2 đất ruộng để con đường được rộng ra.
Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Mon Nguyễn Hữu Thạch tươi cười nói: “Nhà báo thấy đấy, có đường to đẹp rồi là ô tô cứ bon bon vào thôn. 20 hộ dân sống bám trên tuyến đường này cũng được hưởng lợi rồi. Đất thì có giá. Mà xây nhà hay bán gỗ, bán các loại quả cũng trở nên đơn giản hơn vì xe hàng vào được tận cửa nhà”. Nói đoạn, ông dẫn tôi đi một vòng để mục sở thị tuyến đường.
Khi lòng dân đồng thuận
Có rất nhiều tuyến đường bê tông mới như vậy đã được HĐND thành phố hỗ trợ nâng cấp từ năm 2017 đến năm 2020. Để có được kết quả ấy, bên cạnh chủ trương hợp lòng dân còn là cả nỗ lực tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Tuyến đường bê tông ở thôn Đồng Mon mở rộng giúp cho các phương tiện giao thông đi lại thuận tiện.
Đồng chí Hoàng Lương Điều, Bí thư Chi bộ thôn 20, xã Kim Phú chia sẻ: “Tuyến đường dài 500 m nhưng đi qua 2 thôn 12 và 13, với 57 hộ dân của 2 thôn sống xen kẽ nhau dọc theo tuyến đường. Nên khi triển khai làm tuyến đường, chúng tôi cũng “mắc” vì một số hộ không đồng ý. Chi bộ đã tổ chức họp để xây dựng nghị quyết triển khai thực hiện, tổ chức họp thôn để bàn bạc cách thức triển khai và giao Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể tiến hành tới tận các hộ còn vướng mắc để tuyên truyền, vận động. Chúng tôi chia làm 3 mức đóng góp, đó là với các hộ được hưởng lợi trực tiếp, nộp 415 nghìn đồng/hộ. Các hộ hưởng lợi gián tiếp thì nộp 335 nghìn đồng/hộ.
Các hộ là gia đình chính sách, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người cao tuổi nộp 210 nghìn đồng/hộ. Đồng thời miễn đóng góp cho 7 hộ không còn sức khỏe để lao động. Khi nghị quyết được triển khai, thấy hợp lý nên nhân dân rất đồng tình. 100% các hộ được hưởng lợi trực tiếp từ tuyến đường đã nộp ngay. Chỉ sau hơn 3 tháng, tuyến đường đã được bê tông hoàn thiện nền đường, với dự toán là 251 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, thôn còn được Liên đoàn Lao động thành phố ủng hộ 30 triệu đồng; vận động được các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ 17 triệu đồng, trên 200 khối đá, hơn 40 chuyến xe chở vật liệu miễn phí. Có 45 hộ dân ở cả 2 thôn tự nguyện hiến đất, tháo dỡ tường rào, vật kiến trúc để mở rộng con đường.
Đối với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Đồng Mon Nguyễn Hữu Thạch cũng vậy, ông bảo: “Để nhân dân đồng tình ủng hộ và nghe theo thì ngoài việc tuyên truyền cho bà con nhân dân trong thôn nắm bắt được chủ trương của Nghị quyết 01 của HĐND thành phố, biết nắm bắt được cơ hội này để triển khai làm đường, công khai minh bạch các khoản đóng góp, thu chi, ủng hộ thì đảng viên phải luôn gương mẫu đi đầu. Mặc dù, gia đình tôi cũng chỉ có mảnh ruộng nằm trên tuyến đường này nhưng tôi đã tự nguyện hiến 40 m2 đất ruộng. Do vậy, tôi dễ dàng vận động được 14 hộ khác cùng hiến đất và vận động được nhiều doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ. Nay đường mới đã xong, tôi tiếp tục vận động bà con phát triển sản xuất để cuộc sống ngày càng khá giả hơn”.
Bóng chiều đã ngả, đi trên con đường quê thênh thang, phẳng lì, thoảng hương man mát của ruộng đồng, lòng tôi chợt thấy hân hoan khi thấy được diện mạo của xã nông thôn mới đang đổi thay từng ngày. Chỉ cần có Nghị quyết đúng, chỉ cần lòng dân đồng thuận, thì không còn xa nữa thành phố sẽ có những “tuyến phố” ở trong làng.
Gửi phản hồi
In bài viết