Công nhân kỹ thuật Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chuẩn bị cho việc lắp đặt thiết bị các trạm phát sóng.
Phát triển, hoàn thiện hạ tầng số chính là đầu tư công nghệ mới, nâng cấp hạ tầng viễn thông hiện tại. Hiện nay, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn đang triển khai ứng dụng công nghệ thông minh mới cho hạ tầng cáp quang để đáp ứng băng thông cho phát triển kinh tế số, xã hội số.
Với nguồn lực và thế mạnh công nghệ, VNPT Tuyên Quang đang tích cực xây dựng nền tảng hạ tầng số, hệ sinh thái số phong phú đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, triển khai chính quyền điện tử. VNPT Tuyên Quang đầu tư phát triển các trạm phát sóng mới 3G, 4G đến tất cả các khu vực. Ông Hoàng Mạnh Tùng, Trưởng phòng Kỹ thuật - Đầu tư, VNPT Tuyên Quang cho biết, tính riêng trong năm 2022 vừa qua, đã có 50 điểm trạm di động 3G, 4G được lắp đặt nhằm mở rộng vùng phủ sóng, trong đó 10 trạm phục vụ thôn, bản trắng sóng di động theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”. VNPT cũng thi công mới 242.000 km cáp quang, lắp đặt 441 bộ chia cáp quang cấp 2 với dung lượng 3.500 thuê bao để cung cấp dịch vụ Internet cho khách hàng...
Ngoài đầu tư hạ tầng, VNPT còn thực hiện tập huấn hỗ trợ các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, Trung tâm Dịch vụ hành chính công số hóa hồ sơ; cung cấp phần mềm cho Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa của tỉnh; cung cấp thiết bị, đường truyền số liệu chuyên dùng phục vụ dự án dân cư quốc gia cho công an các xã, phường, thị trấn...
Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel chi nhánh Tuyên Quang cũng dành nguồn lực lớn để đầu tư từng bước hoàn thiện hạ tầng số phục vụ chuyển đổi số của tỉnh. Ông Nguyễn Hồng Chuyên, Giám đốc Viettel Tuyên Quang phấn khởi cho biết, năm 2022, Viettel phát sóng mới 51 điểm, đạt 114% kế hoạch. Phát sóng 47/47 trạm Cosite 4G, đưa mạng cố định băng rộng đến 138 xã, phường, thị trấn, phủ đến 85% số hộ dân trên địa bàn tỉnh. Viettel còn đưa vào kinh doanh 17.508 cổng Gpon (điểm truy cập tới đa điểm) đồng thời mở rộng mạng lưới Gpon đến 286 thôn, bản. Năm 2023 Viettel lập kế hoạch đầu tư lắp đặt, phát sóng mới 47 trạm 4G, triển khai hạ tầng Gpon mạng cố định 15.000 cổng phục vụ tốt nhất cho công cuộc chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, ông Chuyên khẳng định.
Công nhân kỹ thuật Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel lắp đặt thiết bị cho các trạm phát sóng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ truy cập mạng băng rộng của tỉnh Tuyên Quang đã được cải thiện rất nhiều so với những năm trước. Trung bình chỉ số tải xuống ở mạng di động băng rộng tăng khoảng 26%, mạng cố định băng rộng tăng khoảng 44%. Hiện 100% các trung tâm xã, phường, thị trấn đã được phủ sóng băng rộng cáp quang; 100% UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị được kết nối Internet băng rộng cáp quang; 1.408/1.733 thôn, bản, tổ dân phố đã có hạ tầng Internet cáp quang, đạt 81,2%; phủ sóng thông tin di động đến 1.675/1.733 thôn, đạt gần 97%. Hạ tầng viễn thông trên địa bàn tỉnh hiện nay cơ bản đáp ứng tốt yêu cầu kết nối, sử dụng dữ liệu của chính quyền, người dân trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin, các hệ thống thông tin được triển khai kết nối liên thông từ tỉnh đến xã và với Trung ương cùng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đầu tư, đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, giúp giảm thời gian xử lý công việc và tiết kiệm chi phí. Các hệ thống thông tin được triển khai gồm: Cổng thông tin điện tử tỉnh và các trang thông tin của sở, ban, ngành, địa phương. Cổng Dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa tỉnh được triển khai, kết nối liên thông từ tỉnh đến tất cả các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn và kết nối với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Phần lớn bộ hồ sơ thủ tục hành chính được cung cấp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến và Hệ thống thông tin một cửa tỉnh đạt mức độ 3, mức độ 4.
Đồng chí Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông khẳng định, hạ tầng số của tỉnh đã từng bước được hoàn thiện, thời gian tới, sở tiếp tục làm việc với doanh nghiệp viễn thông từng bước xóa điểm trắng sóng đồng thời tiếp tục tham mưu với tỉnh huy động nguồn lực, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng số tạo nền tảng cho chuyển đổi số toàn diện trên các lĩnh vực.
Mục tiêu là sẽ phủ sóng 4G tại mọi địa điểm của tỉnh, chuyển đổi toàn bộ các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh sang sử dụng địa chỉ giao thức internet thế hệ mới (Ipv6); xây dựng, hoàn thiện hạ tầng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC) của tỉnh; duy trì hiệu quả hoạt động của Hệ thống Hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh, triển khai hệ thống wifi công cộng thông minh nhằm phục vụ nhu cầu truy cập thông tin qua mạng internet thuận lợi cho nhà đầu tư, khách du lịch và nhân dân. Đồng thời phát triển hạ tầng internet vạn vật (IoT), xây dựng lộ trình và triển khai tích hợp cảm biến và ứng dụng công nghệ số vào các hạ tầng thiết yếu để chuyển đổi thành hạ tầng số...
Gửi phản hồi
In bài viết