Khi có hiện tượng cao tải, các hệ thống công nghệ của Viettel sẽ tự động cân bằng tải, định tuyến và điều tiết dung lượng trên những hướng cáp biển còn lại và cáp đất liền.
Trên thế giới có hơn 550 tuyến cáp quang biển đang hoặc sắp được đưa vào sử dụng, nhưng nước ta mới chỉ tham gia khai thác được 1% trong số đó, thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia lân cận, trong khi số người dùng internet gấp nhiều lần.
Thực trạng này đòi hỏi các nhà mạng trong nước cần sớm triển khai thêm nhiều tuyến cáp quang biển đi quốc tế do Việt Nam làm chủ kết nối để bảo đảm chất lượng dịch vụ internet, sẵn sàng ứng phó những sự cố như hiện nay.
Tình trạng mạng chậm còn kéo dài
Internet Việt Nam đang kết nối với thế giới qua ba con đường chính là cáp quang biển, cáp đất liền và vệ tinh, trong đó, các đường cáp quang biển thường chịu tải đến 99% lưu lượng xuyên lục địa. Vậy mà trong năm tuyến cáp quang biển hiện đang khai thác gồm: AAG, APG, AAE-1, IA và SMW-3, đã có tới bốn tuyến gặp sự cố.
Cụ thể, hai tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng kết nối; tuyến cáp biển IA mất kết nối quốc tế đi Singapore, còn tuyến AAE-1 mất kết nối theo hướng ngược lại đi Hồng Công (Trung Quốc).
Như vậy, hiện chỉ còn tuyến cáp quang biển SMW-3 còn duy trì được 100% lưu lượng. Đây là tuyến cáp “già cỗi” nhất, đã hoạt động được 23 năm và sắp đến lúc “về hưu” (dự kiến trong năm 2024), nhưng giờ đang phải gồng mình gánh gần như toàn bộ dung lượng kết nối internet của Việt Nam ra thế giới. Tình trạng này đã và đang ảnh hưởng lớn đến chất lượng truy cập internet quốc tế của Việt Nam bởi trong giờ cao điểm, những hoạt động đòi hỏi băng thông tốc độ cao như xem phim, chơi game,... gần như hoàn toàn tê liệt.
Chị Phan Diệu Linh (trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) than thở: “Từ Tết Nguyên đán ra đến giờ, mạng liên tục chập chờn và chất lượng ngày càng kém. Tôi có thói quen xem Netflix vào buổi tối trước khi đi ngủ, nhưng giờ đành chịu vì cứ bật lên là mạng quay vòng vòng. Thậm chí, nhiều lúc muốn tra cứu thông tin trên mạng cũng phải dùng điện thoại vì kết nối qua máy tính quá chậm”.
Các chuyên gia lý giải, khi tuyến cáp quang biển gặp sự cố, nhà mạng đã phải thực hiện các phương án ứng cứu như cân bằng tải, tối ưu lưu lượng theo các hướng cáp, điều tiết dung lượng và bổ sung tài nguyên qua hệ thống cáp trên đất liền,...
Dung lượng này trước hết sẽ được ưu tiên cho các kênh thuê riêng và kết nối di động 3G, 4G. Đó là lý do nhiều người thấy mạng di động vẫn hoạt động tương đối ổn định, trong khi mạng cố định nhiều lúc gần như tê liệt.
Bên cạnh đó, các nhà mạng cũng đang nỗ lực phối hợp phía đối tác để thúc đẩy quá trình khắc phục sự cố. Nhưng khác với những sự cố trên cáp quang biển lần trước khi việc sửa chữa được thực hiện khá nhanh, lần này sau ba tháng kể từ thời điểm sợi cáp đầu tiên gặp sự cố, mới có APG, AAG và IA lên được kế hoạch khắc phục.
Cụ thể, theo thông báo từ Ban Quản trị điều hành tuyến cáp quang biển quốc tế (NOC), tuyến APG dự kiến sẽ tiến hành sửa chữa nhánh S6 từ ngày 22 đến 27/3; sửa chữa nhánh S9 từ ngày 5/4 đến 9/4. Tuyến AAG dự kiến sẽ được sửa chữa từ ngày 30/3 đến 4/4. Tuyến IA cũng đang trong quá trình xin cấp phép và đăng ký tàu sửa chữa với thời gian dự kiến sẽ vào giữa tháng 3. Riêng tuyến AAE-1 đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hẹn ngày khắc phục.
Như vậy, trong điều kiện mọi việc suôn sẻ, người dùng internet vẫn phải chờ đợi gần hai tháng nữa, chất lượng kết nối của Việt Nam đi quốc tế mới dần được khôi phục. Một phần nguyên nhân của sự chậm trễ này do tất cả tuyến cáp Việt Nam đang khai thác đều thuộc về những liên minh do nhiều quốc gia và công ty viễn thông quản lý chung, cùng đặc thù trải dài trên nhiều vùng biển.
Do vậy, việc lên kế hoạch và tiến hành sửa chữa không thể diễn ra nhanh chóng trong vài ngày, đồng thời còn phụ thuộc gần như toàn bộ từ bên ngoài.
Làm chủ kết nối
Sau gần 30 năm kết nối internet, Việt Nam hiện có hơn 72 triệu người dùng mạng, đạt tỷ lệ hơn 73% dân số và đứng thứ 12 trên thế giới về số lượng người sử dụng internet. Các nhà mạng trong nước cũng đã nỗ lực nhiều giải pháp để nâng cấp hạ tầng internet, đáp ứng lượng người dùng tăng ngày càng nhanh.
Tuy nhiên, với chỉ vỏn vẹn năm tuyến cáp quang biển đang được khai thác, rõ ràng cơ quan quản lý đã không theo kịp nhu cầu cũng như tốc độ phát triển của internet Việt Nam. So với các nước trong khu vực như Singapore có 39 tuyến cáp quang biển, Malaysia có 25 tuyến, Philippines có 24 tuyến và Thái Lan có 13 tuyến,... số lượng cáp quang biển của Việt Nam đang thấp hơn rất nhiều, trong khi lượng người dùng lại vượt trội.
Đặc biệt, nhu cầu về lưu lượng truy cập mạng quốc tế của Việt Nam cũng đang tăng trưởng “nóng”, dự kiến khoảng 30-50%/năm. Do đó, theo các chuyên gia, các nhà mạng trong nước cần chung tay để sớm bổ sung, đa dạng hóa các tuyến cáp biển kết nối quốc tế cả về số lượng cũng như hướng đi, trạm cập bờ nhằm bảo đảm chất lượng kết nối ổn định và đáp ứng yêu cầu phát triển.
“Việt Nam cần sở hữu riêng ít nhất một tuyến cáp để linh hoạt hơn trong vận hành và khắc phục sự cố, tăng tự chủ với internet. Trong tương lai khoảng 5 năm tới, Việt Nam cần thêm ít nhất hai đến ba tuyến cáp quang biển để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng; còn nếu kỳ vọng biến Việt Nam thành một trạm trung chuyển của khu vực như Hồng Công (Trung Quốc) hay Singapore, các tuyến cáp quang còn cần nhiều hơn thế”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết.
Ngay sau khi xảy ra sự cố trên các tuyến cáp, Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập Ban Chỉ đạo khắc phục sự cố và xây dựng quy hoạch quốc gia về cáp quang biển để dẫn dắt các doanh nghiệp nhanh chóng khắc phục.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã giao Cục Viễn thông làm việc với các nhà mạng xây dựng quy hoạch tuyến cáp quang biển Việt Nam, đồng thời thúc đẩy thêm các tuyến cáp quang biển do Việt Nam làm chủ kết nối đi quốc tế nhằm bảo đảm tính tự chủ trong lĩnh vực internet.
Theo đó, trong trường hợp có hoặc không có sự tham gia của đối tác nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải bảo đảm giữ vị trí đứng đầu, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành xây dựng tuyến cáp quang biển mới. Phấn đấu đến năm 2025, Việt Nam sẽ có ít nhất 10 tuyến cáp quang biển kết nối đi quốc tế.
Trước mắt, khi sự cố trên các tuyến cáp quang biển chưa kịp khắc phục, các nhà mạng cần nỗ lực mở thêm hướng kết nối trên đất liền và áp dụng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng vào giờ cao điểm sẽ luôn ở mức không quá 90% dung lượng quốc tế mà nhà mạng có thể đáp ứng, tránh tình trạng bị nghẽn mạng.
Đặc biệt, các nhà mạng phải hỗ trợ lẫn nhau trong lúc khó khăn, nếu sau khi áp dụng các biện pháp kỹ thuật mà mạng vẫn bị nghẽn, doanh nghiệp còn thừa dung lượng cần san sẻ kết nối cho doanh nghiệp thiếu để bảo đảm chất lượng dịch vụ.
Gửi phản hồi
In bài viết