Trước mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% năm 2025 và góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số thời gian tới, kinh tế số đóng vai trò trung tâm trong việc nâng cao năng suất lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Giới thiệu với khách hàng nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo của Công ty cổ phần Công nghệ Sapo.
Tiềm năng còn rất lớn
Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, chị Lê Phương (ở phố Định Công, quận Hoàng Mai) kinh doanh thực phẩm, đồ ăn qua mạng cho biết, muốn kiểm soát hàng hóa, đơn hàng, khách hàng hiệu quả thì phải dùng phần mềm quản lý bán hàng. “Tôi dùng phần mềm quản lý bán hàng đa kênh KiotViet mấy năm nay, rất thuận tiện cho việc kinh doanh, chi phí khoảng 200.000 đồng/tháng…”, chị Phương nói.
Còn chị Phạm Hồng (phố Mạc Thái Tổ, quận Cầu Giấy), kinh doanh đồ ăn online cho biết, chị và gia đình sẽ không biết phải xử lý tình trạng sót đơn, nhầm đơn của khách hàng như thế nào nếu không nhanh chóng dùng phần mềm quản lý bán hàng đa kênh Sapo. Trên đây chỉ là 2 ví dụ trong con số khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ trong cả nước.
Cùng với xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ, các doanh nghiệp công nghệ số đã ra mắt nhiều ứng dụng phù hợp với các nhóm đối tượng khách hàng.
Đáng chú ý, thay vì chỉ chú trọng tới các nhóm khách hàng là doanh nghiệp nhỏ và vừa, các nhà cung cấp đã hướng tới các doanh nghiệp quy mô siêu nhỏ và hộ gia đình. Tùy theo quy mô, mức độ, điều kiện để có các sản phẩm ứng dụng chuyển đổi số phù hợp với mức giá từ vài chục nghìn, đến hàng trăm nghìn đồng/tháng/doanh nghiệp…
Để thúc đẩy phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Bộ Công Thương đã giới thiệu 6 nền tảng: SME Hub của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel); oneSME của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT); nền tảng quản lý và bán hàng đa kênh Sapo của Công ty cổ phần Công nghệ Sapo; nền tảng bán hàng đa kênh Omichanel của Công ty cổ phần Công nghệ Haravan; nền tảng Misa amis của Công ty cổ phần Misa; nền tảng taphoa.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam... phục vụ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ.
Trước đó, từ năm 2021, cơ quan quản lý đã thúc đẩy chương trình chuyển đổi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEdx). Riêng trong năm 2024 đã có gần 400 nghìn doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các nền tảng số dành cho doanh nghiệp chuyển đổi số.
Một kết quả khảo sát do Vụ Kinh tế số (Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì thực hiện trong năm 2024 tại 2.154 (trong tổng số 10.000) doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh tại quận Phú Nhuận (thành phố Hồ Chí Minh) cho thấy, có trên 56% số doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh quan tâm đến ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh đã ứng dụng vào hoạt động còn thấp, đạt 3,75%. Điều này cho thấy, nhu cầu về chuyển đổi số của doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh còn rất lớn.
Nên tập trung vào hoạt động kinh doanh, bán lẻ
Bên cạnh các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cả nước ước có khoảng 1,4 triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, cửa hàng, hộ kinh doanh. Từ năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống nhất với Bộ Công Thương đưa vào sử dụng bộ tiêu chí thí điểm, đánh giá mức độ chuyển đổi số dành cho các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ.
Trong năm 2025, cơ quan quản lý nhà nước lựa chọn 10 tỉnh, thành phố thực hiện thí điểm ứng dụng các nền tảng số nhằm thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương. Có 5 giải pháp được các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ sử dụng nhiều nhất: Hệ thống quản lý hóa đơn, thanh toán điện tử; hệ thống quản lý bán hàng; hệ thống quản lý thu mua; hệ thống quản lý hàng tồn kho; hệ thống quản lý lao động (hay nhân sự).
Ba giải pháp công nghệ thông tin được các doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ sử dụng nhiều nhất gồm: Mạng xã hội, sàn thương mại điện tử và giải pháp thanh toán (thanh toán không dùng tiền mặt).
Từ kết quả khảo sát tới 15.000 khách hàng sử dụng nền tảng về tình hình kinh doanh năm 2024, Công ty cổ phần Công nghệ Sapo cho biết, 33% nhà bán hàng ghi nhận doanh thu tăng trưởng. Nhóm có doanh thu tăng trưởng tập trung tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (67%), quy mô nhân sự chủ yếu dưới 5 người, có doanh thu phổ biến vượt 500 triệu đồng/tháng, nhờ tận dụng tốt bán đa kênh và các hình thức quảng cáo trực tuyến. Ngành hàng thời trang, đồ gia dụng và thực phẩm đóng góp tỷ lệ tăng trưởng cao nhất. Tuy vậy, 66% nhà bán hàng cho biết không có sự tăng trưởng, trong đó phần lớn ghi nhận giảm doanh thu từ 10% trở lên. Họ chủ yếu là hộ kinh doanh cá thể hoặc doanh nghiệp đang dùng kênh bán hàng truyền thống (bán tại cửa hàng), tỷ lệ sử dụng kênh online hoặc đa kênh thấp hơn nhóm có sự tăng trưởng doanh thu.
Công ty cổ phần Công nghệ Sapo cũng cho biết, các nhóm kinh doanh lạc quan và kỳ vọng thị trường tiến triển tốt trong năm 2025; đồng thời cho biết họ có kế hoạch phát triển livestream chốt đơn, mở rộng kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội…
Theo đánh giá, tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ ở Việt Nam mới đạt khoảng 8%, trong khi trung bình thế giới là 19,4%, con số này tại Trung Quốc là 43%, Anh 35%, Hàn Quốc 28%, Mỹ 26%. Do vậy, dù đạt mức tăng trưởng ấn tượng 25% liên tục nhiều năm, quy mô thị trường đứng thứ ba Đông Nam Á, song ngành bán buôn, bán lẻ nước ta còn đối mặt với nguy cơ bị thương mại điện tử nước ngoài cạnh tranh... Vì vậy, việc đầu tư thúc đẩy doanh nghiệp, cửa hàng, hộ kinh doanh chuyển đổi số giữ vai trò quan trọng không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn hỗ trợ phát triển hệ thống kinh doanh, bán hàng trong cả nước.
Gửi phản hồi
In bài viết