Phát triển nghề dệt thổ cẩm xã Khuôn Hà

- Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống của của người Tày ở xã Khuôn Hà (Lâm Bình). Để gìn giữ, phát triển nghề, hỗ trợ lẫn nhau trong phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo bền vững, Hội LHPN xã Khuôn Hà đã thành lập 2 nhóm sở thích dệt thổ cẩm hoạt động hiệu quả.

Chị Ma Thị Chấp, Trưởng nhóm dệt thổ cẩm thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà chia sẻ: “Theo phong tục người Tày, con gái khi đi lấy chồng phải tự tay dệt các sản phẩm thổ cẩm như: khăn, chăn, gối… thổ cẩm để làm quà cho bố, mẹ, anh, chị, em bên nhà chồng. Những năm gần đây, các sản phẩm thổ cẩm được du khách tìm mua, các sản phẩm không còn là sản phẩm phục vụ nhu cầu gia đình mà trở thành đồ lưu niệm đắt khách. Do vậy tôi đã tập hợp các chị em trong thôn thành lập nhóm dệt thổ cẩm. Chị em chúng tôi rất hào hứng, ai cũng muốn giữ gìn nghề dệt thổ cẩm, sản phẩm làm ra được tiêu thụ tốt, nhiều người biết đến. Không chỉ tạo thêm việc làm mà từ đó còn truyền dạy cho thế hệ sau biết để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.

Nhóm sở thích dệt thổ cẩm thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà trao đổi kinh nghiệm.

Hiện nhóm dệt thổ cẩm có 8 thành viên đều là các chị em có tay nghề khéo léo. Chị Chấp cho biết, để tạo ra một sản phẩm dệt thổ cẩm mất rất nhiều thời gian, ngày nay, chúng tôi không còn trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu thủ công để tạo ra nguyên liệu mà đã có sợi len công nghiệp thay thế. Tuy vậy, công đoạn xử lý nguyên liệu công nghiệp cũng tiêu tốn khá nhiều thời gian. Công đoạn dệt cũng khá tỉ mẩn, người dệt cần khéo léo tính toán, sắp xếp để tạo ra những hoa văn độc đáo thể hiện văn hóa của dân tộc mình. Với một chiếc chăn hay một bộ váy nữ, người dệt có thể mất cả tuần tùy theo kích cỡ, độ phức tạp của sản phẩm. Do vậy giá bán các sản phẩm cũng từ 200.000 đồng đến hơn 2 triệu đồng mỗi sản phẩm. Hiện mỗi tháng các chị em trong nhóm cũng có nguồn thu từ 3 - 4 triệu đồng từ việc bán các sản phẩm thổ cẩm.

Bà Chẩu Thị Sen, thành viên nhóm dệt thổ cẩm thôn Nà Chang, xã Khuôn Hà nói: “Từ khi 18 tuổi đã tôi được mẹ truyền dạy dệt thổ cẩm từ các sản phẩm nhỏ dễ làm như khăn, túi đến các sản phẩm khó như chăn, váy… Năm 2016 Chi Hội phụ nữ thôn mời tham gia nhóm dệt thổ cẩm tôi mừng lắm, đồng ý ngay. Vì tham gia mô hình được làm việc mình yêu thích, có tiền bán sản phẩm coi như có tiền công lao động, cho dù giá trị ngày công không cao nhưng lớn tuổi rồi tôi không làm được việc nặng, nghề dệt này phù hợp với hoàn cảnh của mình”.

Theo đồng chí Nguyễn Thị Kiệm, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Khuôn Hà, những năm qua để gìn giữ nghề dệt cũng như tạo thêm việc làm nâng cao thu nhập cho hội viên, Hội LHPN xã đã vận động hội viên thành lập 2 nhóm sở thích dệt thổ cẩm tại thôn Nà Chang và thôn Ka Nò với 23 thành viên để trao đổi kinh nghiệm, tạo ra các sản phẩm thổ cẩm đặc sắc phục vụ khách du lịch. Các nhóm dệt này hoạt động hiệu quả, sản phẩm có chất lượng tốt và thường xuyên được các đối tác đặt hàng. Để tìm đầu ra cho sản phẩm, Hội LHPN xã còn kết nối với các điểm du lịch như các gian hàng hội chợ, các điểm du lịch cộng đồng Homestay trưng bày, giới thiệu, bán các sản phẩm thổ cẩm. Hội cũng tổ chức cho các thành viên học tập nhiều mô hình dệt thổ cẩm trên địa bàn huyện để đa dạng các sản phẩm.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục