PC-Covid chỉ là phần nhỏ nổi lên của 1 tảng chìm
Theo đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia (Trung tâm), để bảo đảm sự xuyên suốt cho người dùng cũng như phục vụ tốt cho công cuộc phòng, chống dịch bệnh, các chuyên gia đã quyết định lựa chọn Bluezone để phát triển ứng dụng PC-Covid. Đó là vì Bluezone có lượng người dùng lớn nhất, trên 23 triệu thuê bao với trên 46 triệu lượt cài đặt, đã, đang phát huy hiệu quả sử dụng tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu... Do vậy, với người dùng đã cài đặt Bluezone thì sau khi tải PC-Covid, ứng dụng sẽ tự động cập nhật lên phiên bản PC-Covid.
"Những người đang cài Bluezone khi nâng cấp thì sẽ có luôn PC-Covid, tránh phải lặp lại các biện pháp truyền thông không cần thiết mà có thể làm phiền người dân", ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết.
Thêm nữa, PC-Covid chỉ là phần nhỏ nổi lên của một "tảng chìm". Bên dưới nó là nhiều nền tảng lớn khác nhau. Ví dụ, phục vụ hiển thị thông tin tiêm là Nền tảng tiêm chủng; để hiển thị lượt quét mã QR là Nền tảng cung cấp và quản lý mã QR đứng sau. Để PC-Covid hoạt động tốt, đáp ứng nhu cầu của tất cả người dân thì phải có sự hoạt động thông suốt của nhiều nền tảng, sự tuân thủ ứng dụng công nghệ của tất cả các cấp chính quyền cơ sở, các cơ sở y tế, cơ sở tiêm, điểm xét nghiệm và của chính người dân.
Về những lỗi mà người dùng gặp phải sau khi tải PC-Covid (thông tin cá nhân bị sai sót, xác nhận bằng OTP, hay đồng bộ dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn), đại diện Trung tâm chia sẻ, khi đưa một ứng dụng mới, cần 5-7 ngày mới "chạy" ổn định cũng như việc liên thông dữ liệu mới chính xác. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu tiên 30-9, đã có tới 1,7 triệu lượt truy vấn hệ thống, do vậy, với số lượng lớn người dùng sẽ khó tránh khỏi sự thiếu ổn định. "Trong ngày hôm qua, đặc biệt là vào ban đêm, đội ngũ kỹ thuật phải làm việc liên tục để cải thiện hiệu năng", đại diện Trung tâm Công nghệ phòng, chống dịch Covid-19 quốc gia cho biết.
Bảo đảm dữ liệu phục vụ phòng, chống dịch
Liên quan đến thông tin app PC-Covid, trong phiên bản phát hành ngày 30-9, yêu cầu người dùng bật tính năng Bluetooth khi khởi chạy lần đầu, nếu không chấp nhận, app sẽ không chạy được..., đại diện Trung tâm cho biết, sau khi ghi nhận ý kiến phản ánh của người dùng, trong phiên bản mới sắp tới, app PC-Covid sẽ không bắt buộc dùng Bluetooth để khởi chạy.
Hiện, PC-Covid áp dụng 3 phương thức truy vết, trong đó có truy vết tiếp xúc gần bằng kết nối Bluetooth Low Energy (như với Bluezone), kiểm soát ra/vào bằng mã QR, và tin học hóa các hình thức truy vết truyền thống. Nếu không bật Bluetooth, app không hỗ trợ truy vết tiếp xúc gần, nhưng vẫn có thể dùng 2 phương thức còn lại.
Về việc cấp quyền cho PC-Covid, đại diện Trung tâm khẳng định, quyền truy cập của ứng dụng chỉ để phục vụ mục đích phòng, chống dịch. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật thì đây lại là chuyện của tất cả ứng dụng chứ không chỉ của riêng PC-Covid. Hai nền tảng của Apple và Google đều có chính sách kiểm soát quyền chặt chẽ và Trung tâm đã phải làm việc nhiều với các đối tác để khai thác các quyền trên. PC-Covid hiện có 5 quyền truy cập cơ bản: Quyền khai thác vị trí; quyền truy cập thông báo; quyền truy cập camera (để quét QR); quyền truy cập ảnh (chỉ để lưu ảnh mã QR); cá biệt có quyền truy cập tin nhắn (với nền tảng của Xiaomi). Song tất cả dữ liệu cá nhân của người dùng chỉ phục vụ cho mục đích chống dịch và để bảo đảm quyền lợi cho người dùng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã yêu cầu Cục An toàn thông tin kiểm tra lần nữa về việc bảo mật thông tin cho người dùng.
Ứng dụng PC-Covid là ứng dụng tổng hợp các tính năng hiện có của các app chống dịch Covid (Ncovi, Bluezone, VHD...) được thiết kế lại sao cho thuận tiện nhất cho người dùng. Về cơ bản, đây là tổng hợp các tính năng khai báo y tế, phản ánh, quét mã QR, tiếp xúc gần, thông tin tiêm, xét nghiệm...
Gửi phản hồi
In bài viết