Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang.
Dự tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố; các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại.
Chương trình OCOP đề ra các mục tiêu đến 2025, phấn đấu ít nhất 10 nghìn sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có khoảng 400 - 500 sản phẩm OCOP đạt 5 sao; củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng; ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP gắn với thương hiệu sản phẩm, phát triển dịch vụ du lịch nông thôn, phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có 1 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP...
Về chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025 phấn đấu phát triển, chuẩn hoá các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn; mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề hoặc môi trường sinh thái của địa phương; 50% cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa; 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch.
Tỉnh Tuyên Quang, đến hết năm 2021 đã công nhận 128 sản phẩm OCOP, trong đó có 33 sản phẩm xếp hạng 4 sao, 95 sản phẩm xếp hạng 3 sao. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 tổng số sản phẩm OCOP toàn tỉnh trên 230 sản phẩm, 138/138 xã, phường, thị trấn có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt hạng 3 sao trở lên. Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới đã được đầu tư, khai thác và bước đầu hình thành một số sản phẩm du lịch gắn với du lịch nông thôn như: dịch vụ lưu trú cộng đồng Homestay, tham quan, tìm hiểu cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tham gia biểu diễn văn nghệ cùng đồng bào dân tộc bản địa, thưởng thức ẩm thực, làng nghề truyền thống. Các yếu tố văn hóa truyền thống, sinh thái gắn với nông nghiệp đã đưa vào khai thác một cách sáng tạo để phục vụ khách du lịch. Chương trình OCOP đã tạo điều kiện thuận lợi để các cơ sở, doanh nghiệp, Hợp tác xã đẩy mạnh sản xuất, chế biến hàng nông sản chất lượng cao phục vụ khách tham quan và trải nghiệm.
Đồng chí Lê Minh Hoan, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh, phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP sẽ phát huy hiệu quả giá trị bản địa, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế tại khu vực nông thôn. Do đó, các địa phương cần tập trung nguồn lực, phát triển các sản phẩm nông nghiệp, xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp sinh thái kết hợp khai thác văn hóa dân gian với sự tham gia trực tiếp của nông dân... tạo nên sự phong phú hấp dẫn cho sản phẩm du lịch, đồng thời thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đa giá trị.
Gửi phản hồi
In bài viết